Cải cách mạnh mẽ kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu

Cải cách kiểm tra chuyên ngành là một trong những giải pháp đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách toàn diện, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Với sự phối hợp của cơ quan hải quan và các bộ, ngành, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực và còn nhiều dư địa để cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan

Chú trọng cải cách kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai công tác này. Cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai và hướng dẫn thực hiện hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt, đã kịp thời thông báo, chuyển đến các đơn vị trong Ngành để nghiên cứu, triển khai ngay khi nhận được các văn bản mới ban hành.

Trong quá trình thực hiện, Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát các quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và tổng hợp, kiến nghị với các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung.

Với sự phối hợp của cơ quan hải quan và các bộ, ngành như nêu trên, trong thời gian qua, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đạt được những kết quả tích cực. Một số văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa hồ sơ thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Từ đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, thực hiện chuyển đổi số trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Đến nay, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của hơn 72 nghìn doanh nghiệp.

Việc xử lý, cắt giảm chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành đã được triển khai hiệu quả. Một số nhóm hàng đã được các bộ thống nhất chỉ một Bộ quản lý như phương tiện vận tải dùng trong nông nghiệp do Bộ Giao thông vận tải quản lý thay vì 02 bộ quản lý như trước đây.

Một trong những nội dung đổi mới điển hình là nhiều bộ, ngành đã chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Có thể kể đến Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển hơn 90%, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã chuyển 100% mặt hàng sang hậu kiểm.

Việc cải cách kiểm tra chuyên ngành bước đầu đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro như: áp dụng miễn giảm kiểm tra đối với hàng hóa trước đó đã đạt yêu cầu nhập khẩu, không kiểm tra 100% các lô hàng như trước đây, chuyển đổi phương thức kiểm tra trên cơ sở đánh giá các lô hàng nhập khẩu trước đó và tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các bộ đã đẩy mạnh cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp với cơ quan Hải quan rà soát, chuẩn hóa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Giải quyết các khó khăn, vướng mắc

Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.

Về xây dựng thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa đồng bộ, thống nhất. Việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật chưa thật sự triệt để, còn mang tính chất giải quyết tình thế, chưa đồng bộ, mới chỉ sửa văn bản ở cấp Nghị định, Thông tư mà chưa sửa Luật, còn khó khăn trong công tác thực thi.

Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất giữa các văn bản quy định, giữa quy định và thực tế triển khai; tồn tại những quy định chưa phù hợp, quá mức cần thiết như kiểm tra theo từng lô hàng, từng chủ hàng. Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tuy đã được cắt giảm nhưng vẫn còn nhiều, cơ bản mới chuyển thời điểm kiểm tra từ trước thông quan sang kiểm tra sau thông quan thay vì cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra.

Trong công tác thực thi, việc thừa nhận, công nhận hàng hóa nước ngoài có chất lượng cao còn rất hạn chế. Hàng hóa từ các nước phát triển, được sản xuất từ các cơ sở tiên tiến nhưng vẫn bị quản lý như các hàng hóa khác. Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro chưa đầy đủ, thực chất, hiệu quả và chưa áp dụng sau thông quan dẫn đến tỷ lệ kiểm tra còn cao, tỷ lệ hàng hóa được áp dụng miễn, miễn giảm còn hạn chế.

Một số bộ hiện còn thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng thủ công; một số thủ tục đã chuyển sang hình thức điện tử nhưng chưa toàn diện, một số bước vẫn yêu cầu hồ sơ giấy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các cơ quan, chưa kết nối toàn diện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hiện nay, các cơ quan tham gia vào quá trình quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin một cách xuyên suốt, không có hệ thống dữ liệu chung để các bộ, ngành cũng như cơ quan Hải quan cung cấp cho nhau những thông tin cần thiết phục vụ yêu cầu quản lý một cách kịp thời nhất.

Với mong muốn cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới và chỉ số chung về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy định về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Đồng thời, nâng cấp Hệ thống một cửa quốc gia theo hướng: Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành thực hiện thống nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; Chia sẻ, kết nối thông tin giữa các Bộ quản lý chuyên ngành, cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan hải quan; Kết nối hệ thống một cửa quốc gia với hệ thống của các bộ đang thực hiện và hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan.

Lượt xem: 0
Tác giả: Trần Huyền