'Thúc' nhà ở tái định cư để đẩy mạnh cải tạo chung cư cũ

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là một trong những chủ trương trọng điểm của Hà Nội nhằm tái thiết, chỉnh trang đô thị, cải thiện đời sống cho người dân. Vì vậy, thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có đẩy nhanh phát phát triển nhà ở tái định cư.

Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đã xác định rõ 6 quan điểm, mục tiêu tổng quát với 9 mục tiêu cụ thể, 2 nhóm chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm với 12 chỉ tiêu cụ thể, 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 66 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Cải tạo chung cư cũ vẫn “mắc”

Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, thành phố phấn đấu nâng diện tích sàn nhà ở bình quân lên 29,5 m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người. Phát triển mới khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, 0,565 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư...

Ngoài ra, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ trọng điểm như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân, Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh...

Đang có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên, công tác cải tạo, xây mới chung cư cũ vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Mới đây, tại cuộc họp tổng kết tình hình triển khai Đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đánh giá việc triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Nguyên nhân cơ bản là do các cơ chế, chính sách chưa hài hòa được các lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước, xã hội. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định cụ thể như công tác kiểm định (quy trình thực hiện, tiêu chí đánh giá, giá trị pháp lý của kết quả kiểm định và trách nhiệm thực hiện có liên quan,...).

-4985-1664268646.jpg

Giải quyết vấn đề tái định cư là cơ sở để thúc đẩy quá trình cải tạo, xây mới chung cư cũ. (Ảnh: HH).

Đồng thời, theo Sở Xây dựng Hà Nội, công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội rất phức tạp và khó khăn với số lượng hơn 1.579 chung cư cũ. Vấn đề này gắn với yêu cầu về an toàn nơi ở cho người dân, công tác quy hoạch, sự đồng thuận của người dân và việc tham gia của doanh nghiệp.

“Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, chính sách, năng lực chủ đầu tư, thì việc hiệu quả đầu tư, kinh doanh thấp cũng là một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà với các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ. Chưa kể, chính sách hỗ trợ tạm cư, tái định cư tại chỗ còn chưa được áp dụng thống nhất. Công tác rà soát, đánh giá, lập danh mục khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp để công bố thu hút đầu tư còn chậm”, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.

Hóa giải “điểm nghẽn” tái định cư

Trước những vấn đề từ thực tế, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan chuyên môn của UBND Thành phố và các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung vào công tác kiểm định, đánh giá chất lượng và công tác nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, làm cơ sở để triển khai quy trình tiếp theo.

Đặc biệt, Sở Xây dựng cần khẩn trương hoàn thiện, trình UBND Thành phố xem xét, ban hành "Kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025".

Với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo - Bí thư quận, huyện ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn là nhiệm vụ ưu tiên, nhanh chóng triển khai những dự án điểm...

Ở góc nhìn chuyên gia, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp cho rằng, để đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, cần phải có biện pháp cụ thể để giải quyết, cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là các khu có đặc thù khó khăn. Trong đó, cần có thêm tiêu chí độ khó khăn của mỗi dự án để từ đó thành phố có những cơ chế đặc thù cho một số dự án (như xem xét việc điều chỉnh quy hoạch để được nâng tầng hoặc mở thêm đường giao thông, hỗ trợ chủ đầu tư được nhận thêm đất trống khác để bù đắp...).

Cùng với đó, các địa phương cần khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để các nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.

Sớm ban hành hệ số K bồi thường tại các khu vực, vị trí có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để người dân biết khi tham gia lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.

Cuối tháng 6/2022, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, đến thời điểm này đã có 70 nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Nếu như trước đây, các khâu kiểm định, lập quy hoạch chi tiết dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đều do nhà đầu tư thực hiện thì theo quy định mới Nhà nước sẽ bỏ tiền thực hiện kiểm định và lập quy hoạch, kết quả sẽ khách quan hơn.

Hoàng Hải

Lượt xem: 21
Tác giả: Hoàng Hải
Tin liên quan