Nỗ lực giữ tiền đồng không mất giá quá nhiều

Nếu Việt Nam giữ mặt bằng lãi suất quá thấp, ổn định quá lâu trong bối cảnh các nước liên tục tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ví von: Đây là "cuộc chiến" tiền tệ giữ cho đồng tiền không bị mất giá quá nhiều, giảm thiểu tác động của lạm phát toàn cầu tới nền kinh tế.

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 23/9, việc tăng trần lãi suất huy động và các loại lãi suất điều hành là chủ đề được quan tâm nhất.

Việt Nam đồng mất giá 4%

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nguy cơ suy thoái và áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng tăng lãi suất…

-6520-1663920635.jpg

9 tháng đầu năm, VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đến nay, đã có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu (năm 2021 có 113 lượt tăng). Ngày 22/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng 0,75%/năm lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ rất cao (8,3%). Dự kiến đến cuối năm 2022, Fed sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023.

Diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.

9 tháng đầu năm, VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (khoảng gần 4%). Trong khi đó, nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với USD, như: TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%).

Ông Tú cho biết, động thái của Fed đã "kích" hoạt hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới nâng lãi suất. Trong đó, Việt Nam cũng ngay lập tức tăng thêm 1% tất cả lãi suất điều hành, tăng 0,3% đối với trần lãi suất có kỳ hạn dưới 1 tháng và 1% với kỳ hạn 1 tháng – 6 tháng, có hiệu lực từ 23/9/2022.Từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ biến động không quá 1% nữa và biên độ biến động tỷ giá cả năm sẽ không quá 5%, nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện tại. Còn nếu tình hình thế giới có biến động (ví dụ như xung đột Nga - Ukraine leo thang), Fed tăng mạnh lãi suất cao hơn mức dự báo..., thì NHNN có thể phải điều chỉnh tỷ giá mạnh tay hơn".

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Theo đại diện NHNN, động thái này đảm bảo theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát thị trường trong nước và nước ngoài. Đây là công cụ điều hành, khi cần tăng sẽ tăng, khi cần giảm sẽ giảm để đảm bảo mục tiêu chung, thích ứng với tình hình mới.

VND không thể "đứng im" trước biến động của thế giới

Chia sẻ thêm về việc NHNN tăng các mức lãi suất điều hành, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam là rất lớn vì nền kinh tế có độ mở cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu, doanh nghiệp FDI xuất siêu, do đó áp lực nhập khẩu lạm phát rất lớn.

Vì thế, việc để VND mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước, do đó, điều hành chính sách tiền tệ phải cố gắng giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát.

Nhưng về nguyên lý, theo ông Quang, không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá. Chính vì vậy, khi Fed tăng nhanh, tăng mạnh lãi suất với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 40 năm đã dẫn đến mặt bằng chung tỷ giá toàn cầu xáo trộn, buộc một loạt ngân hàng trung ương thế giới tăng lãi suất để đảm bảo tỷ giá đồng tiền của họ không mất giá quá lớn.

“Đối với Việt Nam, thời gian qua, chúng ta điều hành khá thành công, giữ được VND không quá mất giá. Tuy nhiên, nếu chúng ta giữ mặt bằng lãi suất quá thấp, ổn định quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn như thế sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Chúng ta định hướng giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền.

Do đó, NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà NHNN, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Chính sách tiền tệ lý giải.

Trước động thái tăng lãi suất điều hành, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

"Về lãi suất cho vay, chúng tôi kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm chi phí, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Chúng ta đang làm tốt giải pháp này. Điều đó được thể hiện qua con số 52.000 tỷ đồng từ miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19", Phó Thống đốc thông tin.

Về điều hành tỷ giá, ông Tú cho rằng, việc đồng USD lên giá cao, lãi suất của Fed liên tục tăng và dự báo đà tăng duy trì trong năm 2023, chính vì vậy, đây là thời kỳ có thể nói là khó khăn lịch sử trong nhiều năm qua đối với chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

"NHNN tiếp tục điều hành đảm bảo ổn định tỷ giá, duy trì trạng thái ngoại tệ hợp lý theo nhu cầu thị trường", ông Tú khẳng định.

Huyền Anh

Lượt xem: 18
Tác giả: Việt Nam đồng mất giá 4%
Tin liên quan