Lĩnh án tù vì trốn thuế

Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng - MEC đã không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật; không xác định chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh; không lập báo cáo tài chính và nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN, tờ khai thuế GTGT. Đây là các hành vi trốn thuế…

Theo quy định pháp luật, hành vi trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy mức độ vi phạm. Mặc dù, pháp luật quy định rõ nhưng vẫn có nhiều trường hợp cố tình làm sai để né tránh nghĩa vụ nộp thuế. Chẳng hạn vụ việc trốn thuế vừa được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử, trong đó bị cáo Mai Phan Lợi (50 tuổi, quê Thái Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng - MEC) bị xử phạt mức án 48 tháng tù về tội Trốn thuế. Đồng thời, Bạch Hùng Dương (46 tuổi, ở Hà Nội, cựu Giám đốc MEC) lĩnh mức án 30 tháng tù.

Theo cáo trạng, Trung tâm MEC được thành lập vào năm 2012 theo quyết định của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Bà Nguyễn Thúy Vân là Giám đốc MEC từ năm 2012 - 2014. Sau đó, Bạch Hùng Dương kế nhiệm bà Vân. Trung tâm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Kết quả điều tra xác định, doanh thu của trung tâm MEC là các khoản tiền tài trợ hoặc nhận được từ các tổ chức trong và ngoài nước thanh toán cho trung tâm từ các hợp đồng thực hiện các công việc theo thỏa thuận cho các tổ chức này. Mai Phan Lợi là người đã liên hệ với nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước để thỏa thuận thực hiện công việc theo các hợp đồng dịch vụ, thỏa thuận hợp tác hay tài trợ.

Cụ thể, từ năm 2012 đến tháng 3/2021, MEC phát sinh doanh thu với tổng số tiền hơn 19,7 tỷ đồng. Các giao dịch nhận tiền được thực hiện qua 3 ngân hàng Techcombank, Vietcombank và MSB. Mỗi lần đơn vị này nhận được tiền tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, bị cáo Lợi đều chỉ đạo Dương ký chứng từ rút tiền, chỉ đạo nhân viên không lập hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).

Bị cáo Lợi cũng không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật; không xác định chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh; không lập báo cáo tài chính và nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, tờ khai thuế GTGT.

Hành vi của 2 bị cáo nhằm trốn thuế GTGT và thuế TNDN với số tiền hơn 1,97 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Lợi thực hiện hành vi phạm tội với vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo các nhân viên không thực hiện kê khai nộp thuế và trực tiếp chiếm hưởng toàn bộ số tiền hơn 1,97 tỷ đồng.

Đối với bà Nguyễn Thúy Vân, cáo trạng nêu người này thực hiện chỉ đạo của bị cáo Lợi về việc không kê khai nộp thuế, giúp sức và có dấu hiệu đồng phạm với bị cáo Lợi. Bà Vân phải liên đới chịu trách nhiệm với số tiền hơn 110 triệu đồng. Tuy nhiên, hành vi của bà Vân đã kết thúc vào tháng 1/2014, đến nay đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên cơ quan tố tụng không truy cứu.

Tội Trốn thuế được quy định tại Điều 200 BLHS 2015 như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 đồng đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:

a) Có tổ chức;

b) Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Phạm tội 2 lần trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Lượt xem: 323
Tác giả: admin1
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật