Thiếu sót của Công ty Dược phẩm Trung ương 3 trong việc tiêu hủy thuốc
Hàng trăm vỉ thuốc còn hạn sử dụng mang nhãn hiệu của Công ty Dược phẩm Trung ương 3 mới đây bị phát hiện nằm lăn lóc ngoài bãi rác tự phát ở Đà Nẵng.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: Thu Giang
Thuốc không nhãn mác tại bãi rác
Như Lao Động đã thông tin, ngày 10.6, từ tin báo của người dân, lực lượng chức năng quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã phát hiện hàng trăm vỉ thuốc Cetecocenzitax.
Chiều 11.6, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và ghi nhận tại hiện trường một lượng lớn thuốc tân dược bị vứt bỏ bên tuyến đường Xuân Thiều 21.
Lãnh đạo phường cho biết, theo thông tin do cơ quan công an cung cấp, số thuốc trên thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3 (trụ sở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Thông tin với báo chí, một nhân sự thuộc Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3 xác nhận rằng, số thuốc bị vứt bỏ là của công ty, đã được thu hồi đưa đi tiêu hủy theo quy định từ tháng 9.2024.
Người này cho hay, do vỉ thuốc là vỏ nhôm, có thể người ve chai nhặt tại bãi rác để đem về bán, nhưng không thể tiêu thụ nên bị vứt ra khu vực đường Xuân Thiều 21.
Liên quan đến loại thuốc Cetecocenzitax còn nguyên vẹn bị đổ bỏ bên đường, ngày 6.9.2024, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn thông báo thu hồi sản phẩm thuốc viên nén Cetecocenzitax (Cinarizin 25mg) của Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3 do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tính chất, định lượng.
Công ty này phải phối hợp với nhà phân phối thuốc gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ để thu hồi toàn bộ lô thuốc nêu trên.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng này.
Riêng Sở Y tế Đà Nẵng phải kiểm tra và giám sát Công ty cổ phần Dược Trung ương 3 thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.
Hàng trăm vỉ thuốc còn hạn sử dụng mang nhãn hiệu của Công ty Dược phẩm Trung ương 3 mới đây bị phát hiện nằm lăn lóc ngoài bãi rác tự phát ở Đà Nẵng. Ảnh: Thu Giang
Sở Y tế Đà Nẵng sẽ tiến hành hậu kiểm
Trao đổi với phóng viên Lao Động, Bác sĩ Võ Thu Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, theo thông tin báo chí phản ánh và yêu cầu của Công an TP Đà Nẵng, Sở Y tế đã nhanh chóng cử cán bộ có mặt tại hiện trường (khu vực đường Xuân Thiều 21, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) để phối hợp cùng các cơ quan liên quan xác minh sự việc.
Đồng thời, Sở Y tế Đà Nẵng đã có Công văn hỏa tốc số 4134/SYT-NVD ngày 10.6.2025 chỉ đạo Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3 báo cáo về toàn bộ quá trình vụ việc xảy ra.
Theo báo cáo của Công ty tại Công văn số 339/CT-TW3 ngày 11.6.2025, Thuốc Viên nén CetecoCenzitax (Cinarizin 25mg) do Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3 sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng vì phạm mức độ 3 đã được Cục Quản lý Dược ban hành Công văn số 3007/QLD-CL ngày 6.9.2023 về việc thu hồi toàn quốc.
Theo đó, ngày 30.9.2024, Thanh tra Bộ Y tế ra Quyết định xử phạt 50 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3.
Công ty đã tiến hành tiêu hủy thuốc theo Quy trình xử lý sản phẩm không đạt chất lượng đã được đơn vị ban hành và phê duyệt ngày 28.1.2024.
Do thiếu sót của Công ty trong quá trình giám sát thực hiện việc tiêu hủy nên dẫn đến xảy ra vụ việc nêu trên.
Theo bác sĩ Tùng, hiện nay, Sở Y tế Đà Nẵng đang phối hợp với Công an thành phố và Chi cục Quản lý thị trường để xác định hành vi vi phạm của Công ty để xử lý theo đúng quy định. Sở Y tế Đà Nẵng cũng khẩn trương tiến hành hậu kiểm việc sản xuất, kinh doanh tại Công ty.
Tìm hiểu của Lao Động, theo Thông tư 11/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, người đứng đầu cơ sở có thuốc cần tiêu hủy phải lập Hội đồng hủy thuốc gồm ít nhất 3 người, trong đó có 1 người phụ trách chuyên môn.
Việc hủy thuốc phải đảm bảo an toàn cho con người, động vật và môi trường.
Sau khi hủy, cơ sở phải lập biên bản và gửi báo cáo cho Sở Y tế theo mẫu quy định. Toàn bộ quá trình xử lý thuốc bị thu hồi phải hoàn thành trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày thuốc bị thu hồi.