Chiêu thức lừa đảo ngân hàng tinh vi mới xuất hiện, ai cũng cần cảnh giác
Đối tượng lừa đảo tạo ra tình huống giao dịch lỗi, sau đó đề nghị khách hàng chuyển khoản một phần để nhận được hết số tiền...
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, gần đây một nạn nhân được thông báo là có hơn 7 tỷ đồng bị treo trên hệ thống. Vì số tiền lớn nên khách hàng cần làm việc với nhân viên ngân hàng giả để lấy tiền. Người này bị dụ dỗ ký một biên bản cam kết mạo danh, trong đó ghi ngân hàng sẽ hoàn tất thủ tục và hoàn trả toàn bộ số tiền đang bị treo sau khi khách hàng nộp đủ số tiền 70 triệu đồng (tương đương 1% số tiền treo trên hệ thống của ngân hàng).
Các ngân hàng lâu nay vẫn thường xuyên đưa ra cảnh báo lừa đảo với khách hàng. |
Vị lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ, đây là thủ đoạn lừa đảo mới tinh vi. Trong trường hợp nhận được cuộc gọi báo phải làm những bản cam kết giả mạo như vậy, khách hàng cần liên hệ với chi nhánh ngân hàng gần nhất để xác định thực hư.
Thủ đoạn thông báo xác nhận số dư lớn trong tài khoản, thông báo có số tiền lớn bị treo là kiểu lừa đảo mới và có thể diễn ra theo nhiều “biến dạng” khác nhau. Ví dụ, một khách hàng của Eximbank ở Đồng Nai mới đây nhận được thông báo cho biết đang có số dư lớn hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản nên cần xác nhận. Thông báo này ghi: "Phía ngân hàng đã hỗ trợ khách hàng 20% trong tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, nên khách hàng cần đóng 20% trước để phía ngân hàng xác nhận hơn 800 triệu đồng".
Trong các trường hợp này, nạn nhân có thể không biết vì sao tài khoản của mình được chuyển số tiền lớn nhưng vì lòng tham nên vẫn bị mắc lừa.
Trên thực tế, các chiêu thức lừa đảo mạo danh ngân hàng đã diễn ra phổ biến với nhiều chiêu trò đa dạng. Bất chấp liên tục có những cảnh báo từ cơ quan chức năng và thông tin trên các phương tiện truyền thông đưa tin, nhiều nạn nhân nhẹ dạ cả tin và thiếu tỉnh táo dễ dàng bị chiếm đoạt tài sản.
Trong vài năm trở lại đây, có thể “điểm danh” một số chiêu thức lừa đảo phổ biến nhất như: gửi đường link lạ, link giả mạo website ngân hàng để lấy thông tin người dùng, giả làm nhân viên ngân hàng đề nghị hỗ trợ vay vốn làm ăn, giả chuyển khoản nhầm,... Có người mất hàng trăm triệu sau một cú điện thoại, có người còn trực tiếp làm việc với đối tượng lừa đảo nhiều lần vẫn bị “mắc bẫy” cho thấy thủ đoạn của tội phạm lừa đảo ngân hàng rất khó lường.
Theo các chuyên gia, hình thức lừa đảo hiện nay rất đa dạng, tinh vi và khó lường nên để bảo vệ thông tin cá nhân cũng như tài sản của mình, mọi người dân sử dụng dịch vụ của ngân hàng đều nên cảnh giác tối đa. Không chỉ đơn thuần là bị mất tiền oan, nhiều chiêu trò còn nhằm mục đích khác như đánh cắp thông tin cá nhân, bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác như đăng kí sim không chính chủ, ví điện tử phục vụ lừa đảo,...
Từ lâu, các ngân hàng đều đã khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã xác thực OTP/Smart OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng và cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ. Người dân cũng được khuyến cáo cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Khi có người tự xưng là nhân viên ngân hàng liên lạc và đưa ra các yêu cầu nhất định, chủ tài khoản cần chủ động liên lạc với ngân hàng qua đường dây nóng được công bố chính thức hoặc đến trực tiếp trụ sở của ngân hàng gần nhất để làm rõ thông tin.
Theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 15/VBHN-NHNN ngày 28/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản được "yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản tạm khóa, đóng tài khoản thanh toán khi cần thiết"; phải "kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng"; phải "chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình".
Trong trường hợp chủ tài khoản đã chót làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo và cảm thấy có nghi vấn thì cần ngay lập tức liên lạc hoặc đến trụ sở ngân hàng để yêu cầu thay đổi thông tin bảo mật, thực hiện khóa, đóng tài khoản thanh toán. Trong trường hợp lệnh chuyển tiền vẫn còn trong nội bộ ngân hàng, ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, chủ tài khoản cũng có thể nhờ sự trợ giúp của công an. Các trường hợp lộ thông tin bảo mật, lỗi được xác định thuộc về chủ tài khoản nên về nguyên tắc thì ngân hàng sẽ được loại trừ trách nhiệm và chỉ có trách nhiệm hỗ trợ cho khách hàng.
Với các trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân được khuyến cáo kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.
Kim Chi