Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo cho vay tiền online nhanh gọn, thuận tiện

Nhận thấy nhiều người dân có nhu cầu vay tiền với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện, các đối tượng đã giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội. Sau đó, chúng yêu cầu nộp cước phí… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thiết kế giao diện web giả ngân hàng để lừa đảo

Ngày 6/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Lê Văn Dinh (SN 1996) và Lê Quý Cường (SN 2003) cùng ở xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Lê Văn Dinh và Lê Quý Cường vừa bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữa để điều tra hành vi lừa đảo cho vay tiền online

Hai đối tượng Lê Văn Dinh và Lê Quý Cường bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ để điều tra hành vi lừa đảo cho vay tiền online

Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh ngân hàng cho vay vốn online.

Các đối tượng thiết kế giao diện web giả mạo một ngân hàng thương mại với thông tin về việc cho vay vốn online rồi chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Tiếp đó, nhóm này sử dụng tài khoản Zalo ảo có tên là “Nguyễn Minh Thanh” và “Nguyễn Viết Cường”, giả danh nhân viên ngân hàng có chi nhánh ở phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội, liên lạc với các khách hàng có nhu cầu vay vốn.

Khi khách liên hệ, các đối tượng đã yêu cầu chụp ảnh nhận dạng khuôn mặt, cung cấp thông tin cá nhân gồm CMND hoặc CCCD, sổ hộ khẩu để lập hợp đồng vay vốn. Sau khi lập xong hợp đồng, đối tượng gửi lại cho khách hàng kiểm tra thông tin, xác nhận là đúng thì yêu cầu khách hàng nộp phí hồ sơ với số tiền là 3-5% trên tổng số tiền được vay.

Cùng với đó, khách hàng phải nộp thuế GTGT, bảo hiểm, nộp trước tiền lãi từ 2-4 tháng để chứng minh khả năng tài chính… Sau khi lừa được khách hàng nộp tiền thì đối tượng không giải ngân mà chiếm đoạt khoản tiền này.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã làm rõ hai đối tượng là Lê Văn Dinh, Lê Quý Cường là thủ phạm của các vụ lừa đảo nêu trên.

Bước đầu, hai đối tượng khai nhận, từ tháng 5/2022 chúng thuê một căn hộ ở khu chung cư trên địa bàn xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, để làm nơi ở và thực hiện hành vi lừa đảo. Bộ đôi này dùng các Zalo giả danh nhân viên ngân hàng để trao đổi với khách hàng có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, hai đối tượng sử dụng điện thoại có chức năng giả giọng nam, nữ để liên lạc, tư vấn cho khách hàng.

Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ nhiều vật chứng liên quan đến vụ án, trong đó có 8 chiếc điện thoại di động, 6 tài khoản ngân hàng, 4 căn cước công dân, 1 xe mô tô nhãn hiệu SH. Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan điều tra xác định nhóm này đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 70 người với số tiền trên 600 triệu đồng.

Trước đó vào ngày 9/6/2022, Công an phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, đã tiếp nhận đơn trình báo của chị Nguyễn Thị H (41 tuổi) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online. Theo trình bày của chị H, do có nhu cầu vay tiền nên chị đã vào mạng Internet để tìm kiếm. Sau đó, một đối tượng liên hệ, hướng dẫn chị làm thủ tục vay 200 triệu đồng.

Để nhận được tiền, chị H phải đóng phí mới được giải ngân. Chị H đã gửi 117 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không rút được khoản vay. Lúc này chị H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Một trường hợp khác là anh Lê Đình D cũng là nạn nhân của chiêu lừa đảo “vay tiền online”. Gần cuối tháng 4, anh D hốt hoảng tới Công an phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trình báo bị chiếm đoạt 35 triệu đồng.

Anh D cho hay, do cần 70 triệu đồng để giải quyết công việc, anh đã tải ứng dụng vay tiền trên mạng để thực hiện thì có một người gọi điện vào máy của anh D, tự giới thiệu là nhân viên công ty cho vay tiền. Người này nói đã nhận được yêu cầu vay 70 triệu đồng và yêu cầu anh H phải chuyển 35 triệu đồng để kích hoạt gói vay tiền… anh D đã chuyển 35 triệu đồng nhưng sau đó vẫn không rút được khoản tiền đăng ký vay. Lúc này, anh H mới biết mình đã bị lừa đảo.

Người dân đến cơ quan công an trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người dân đến cơ quan công an trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cảnh giác với các thủ đoạn “cho vay tiền online”

Trao đổi về các thủ đoạn lừa đảo nêu trên, đại tá Hà Mạnh Hùng - Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhấn mạnh, người dân cần cảnh giác trước các loại hình quảng cáo là "vay tiền dễ dàng, giải ngân ngay trong ngày" thông qua các trang mạng, mạng xã hội. Những lời mời chào vay tiền với "thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân" có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Cơ quan công an cũng đã vạch trần chiêu thức lừa đảo của các đối tượng là lợi dụng uy tín của những ngân hàng, công ty tài chính, lập ra các app, website mạo danh với tên gọi, nội dung "na ná" nhau để dễ bề lập lờ "đánh lận con đen", lừa đảo người thiếu thông tin.

Cụ thể, chúng sử dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) mời chào, quảng cáo vay vốn với nhiều ưu đãi như thủ tục đơn giản không cần tài sản đảm bảo, giải ngân trong ngày, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp, cho vay ngay cả trường hợp đang có nợ xấu…

Sau đó, đối tượng yêu cầu cài đặt ứng dụng vay vốn online hoặc gửi các đường link vào website cho vay để làm thủ tục đăng ký vay tiền. Tiếp đó, sau khi nhập các thông tin cá nhân, khách hàng sẽ nhận được thông báo phê duyệt khoản vay.

Đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để kích hoạt tài khoản, lệ phí làm hồ sơ vay vốn hoặc bảo hiểm của khoản vay. Thông báo khách hàng nhập sai số tài khoản, cú pháp vay tiền... và yêu cầu nộp tiền “sửa lỗi”.

Trường hợp khách hàng không đồng ý nộp tiền xử lý khoản vay sẽ bị đe dọa là thủ tục khoản vay đã được duyệt nên dù chưa nhận tiền vẫn bị nhắc nợ trên hệ thống dẫn đến khách hàng lo lắng chuyển tiền để được xử lý.

Qua các vụ việc trên, Cơ quan công an khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Khi người dân có nhu cầu vay vốn nên tìm đến đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính uy tín (ngân hàng, công ty tài chính...) để được hỗ trợ làm thủ tục vay theo đúng quy định pháp luật, nhằm tránh bị kẻ xấu lừa đảo.

Trường hợp thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để được giải quyết, xử lý kịp thời. Đặc biệt, người dân không nên đăng ký vay tiền qua các app hay website, mạng xã hội; Không chuyển tiền dưới bất kể hình thức nào theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.

Báo cáo tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI về công tác kiểm sát, Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Đào Thịnh Cường nhấn mạnh: Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ các cơ quan Nhà nước, phương tiện truyền thông, tuy nhiên hiện tượng lừa đảo qua mạng, giả danh cơ quan pháp luật, cơ quan Nhà nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vẫn xảy ra với số tiền bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng; Vì vậy, đề nghị HĐND TP chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến Nhân dân; Các đơn vị cung cấp viễn thông, các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng nâng cao cảnh giác, phát hiện, ngăn chặn kịp thời tội phạm lừa đảo.

Lượt xem: 75
Tác giả: Thành Lộc
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật