Việt Nam chuẩn bị có quy định chính thức về cho vay ra nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua tại Việt Nam phát sinh nhu cầu từ các tổ chức kinh tế về cho vay ra nước ngoài, hoặc tìm hiểu các quy định liên quan; tuy nhiên hiện vẫn chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể, mà phải trực tiếp xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Quyết định nói trên là cần thiết, một mặt tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế có nhu cầu cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người cư trú nắm rõ tiêu chí, trình tự, hồ sơ, thủ tục xin chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; mặt khác, quy định trách nhiệm rõ ràng để các cơ quan đầu mối, cơ quan phối hợp khác thẩm định các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ liên quan, làm cơ sở cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chấp thuận hoặc từ chối đề nghị cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế.

Về mục tiêu quản lý, tại Pháp lệnh Ngoại hối, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua quy định thận trọng, theo đó, việc tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú phải được Thủ tướng chấp thuận.

Quy định này tại Pháp lệnh Ngoại hối thể hiện rõ chủ trương quản lý chặt chẽ, thận trọng hoạt động cho vay nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn vốn đầu tư, tập trung vốn cho phát triển kinh doanh trong nước, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Ngoài ra, chủ trương này còn phù hợp với lộ trình tự do hóa dòng vốn một cách thận trọng, theo định hướng của Chính phủ cũng như khuyến nghị của IMF, phòng tránh các nguy cơ, rủi ro có thể phát sinh.

Do đó, mục tiêu quan trọng đối với việc xây dựng Quyết định này là thiết lập quy trình xem xét thận trọng, chặt chẽ đối với các đề nghị cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú, đảm bảo xem xét toàn diện các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan và đảm bảo các nguyên tắc quản lý thận trọng nói trên.

Dự thảo Quyết định quy định một số nguyên tắc cơ bản đối với việc thực hiện hoạt động cho vay nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế. Trong đó, hoạt động cho vay nước ngoài của tổ chức kinh tế nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh của tổ chức kinh tế, hoạt động đầu tư nước ngoài của tổ chức kinh tế nhưng không ảnh hưởng đến an toàn vĩ mô, an ninh chính trị xã hội, không trái với chính sách quốc phòng, ngoại giao và các định hướng ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

Tổ chức kinh tế thực hiện cho vay nước ngoài phải tuân thủ quy định tại Quyết định này, quy định của pháp luật về tiền tệ, ngoại hối, đầu tư, thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan; tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ của bên đi vay, bên được bảo lãnh và điều ước quốc tế có liên quan. Tổ chức kinh tế tự chịu trách nhiệm về hiệu quả và các rủi ro liên quan đến khoản cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú.

Về tiêu chí để tổ chức kinh tế là bên cho vay, tổ chức phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, hoạt động kinh doanh có lãi, không có nợ xấu với hệ thống ngân hàng, không có nợ nước ngoài quá hạn và không nợ thuế với Ngân sách Nhà nước trong 2 năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận khoản cho vay, khoản bảo lãnh.

Tổ chức kinh tế phải có phương án cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điều lệ của tổ chức kinh tế và quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (trong trường hợp tổ chức kinh tế là doanh nghiệp có vốn nhà nước).

Quy định này nhằm yêu cầu tổ chức kinh tế chứng minh tiềm lực kinh tế để thực hiện khoản cho vay/bảo lãnh và không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, chứng minh tính tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và thực hiện giao dịch cho vay/bảo lãnh này.

Về tiêu chí về bên đi vay, bên được bảo lãnh thuộc một trong các đối tượng: là công ty mẹ hoặc các công ty thành viên cùng hệ thống ở nước ngoài của bên cho vay; là Chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài được Chính phủ nước ngoài bảo lãnh.

Ngoại tệ để cho vay nước ngoài phải là nguồn ngoại tệ có từ hoạt động sản xuất kinh doanh, không sử dụng ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng hoặc vay trong và ngoài nước.

 

Lượt xem: 288
Tác giả: Theo Linh Linh/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật