Tỷ giá liên tiếp phá đỉnh, Ngân hàng Nhà nước dùng công cụ nào để khống chế?

Trong ba công cụ để kiểm soát tỷ giá gồm tăng lãi suất, bán USD ra và hút tiền đồng về, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn công cụ duy nhất là hút tiền VND. Tuy nhiên, có chuyên gia lại nhận định, nhà điều hành đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm, hoàn toàn có khả năng can thiệp tỷ giá bằng việc bán USD.

Sau giai đoạn tương đối ổn định trong nửa đầu năm, tỷ giá USD/VND đã có những biến động khá mạnh trong quý III. Đơn cử, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD Mỹ được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm 26/9 ở mức 24.084 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày trước đó. Đây là mức giá cao nhất của tỷ giá trung tâm từ trước đến nay.

Tuy nhiên đà tăng của đồng bạc xanh vẫn chưa dừng lại và tiếp tục phá đỉnh trong ngày 27/9 với mức 24.088 VND/USD, tăng 2 đồng so với hôm trước. Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại cũng tăng cao. Giá USD bán ra tại một số ngân hàng đã vượt mức 24.600 đồng/USD.

Tỷ giá “nổi sóng” do chính sách tiền tệ nới lỏng?

Tương tự, giá USD trên thị trường tự do cũng đi lên. Giá USD tự do tuần này được giao dịch phổ biến quanh mức 24.350-24.450 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 30 đồng ở chiều mua vào và tăng 50 đồng ở chiều bán ra so với phiên liền trước.

Tỷ giá USD trong nước chịu nhiều sức ép khi chỉ số DXY - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh – đã bước sang tuần tăng điểm thứ 10 liên tiếp, qua đó đánh dấu chuỗi tăng điểm dài nhất trong gần một thập kỷ qua.

Nhận định về câu chuyện này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, áp lực tỷ giá hiện nay rất lớn, nằm ngoài dự đoán của thị trường. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lên tới 4,56%, kéo đồng bạc xanh mạnh lên và đây đang là điều đáng lo ngại nhất với thị trường.

Trong khi đó, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % nữa trong tháng 11 thì tỷ giá có thể dao động trong khoảng 24.300 – 24.500 đồng/USD trong những tháng cuối năm.

-7393-1695899734.jpg

Vị thế của Ngân hàng Nhà nước tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, tỷ giá “nổi sóng” thời gian gần đây không chỉ do USD tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế. Việc Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, ngược lại với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá VND/USD.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề tỷ giá là câu chuyện mà nhiều doanh nghiệp rất quan tâm. Tỷ giá cũng là một phần trong chi phí tài chính của doanh nghiệp.

“Lãi suất giảm đương nhiên tỷ giá tăng, về mặt kinh tế học là như vậy. Do đó điều hành cần phải có sự hài hoà, ổn định. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/GDP gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn. Do đó đây là một bài toán khó”, bà Hồng nói.

Theo đó, để giảm bớt áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã kích hoạt trở lại hoạt động phát hành tín phiếu sau khi tạm ngưng từ đầu tháng 3/2023. Theo đó, liên tiếp trong 5 phiên giao dịch gần đây nhà điều hành đã chào thầu thành công 70.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày, hút ra khỏi hệ thống ngân hàng lượng VND tương ứng.

Hoàn toàn có khả năng can thiệp tỷ giá bằng việc bán USD

Trong ba công cụ để kiểm soát tỷ giá gồm tăng lãi suất, bán USD ra và hút tiền đồng về, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng trong bối cảnh hiện tại, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn công cụ duy nhất là hút tiền đồng.

“Do Việt Nam vẫn đang ưu tiên nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, mặt khác muốn tăng dự trữ ngoại hối tránh rủi ro tỷ giá trong tương lai, khác hoàn toàn với cuối năm 2022 khi Ngân hàng Nhà nước có thể cùng lúc sử dụng ba công cụ trên”, ông phân tích.

Bên cạnh những yếu tố bất lợi, ông Minh nhận định, điểm tích cực là vị thế của Ngân hàng Nhà nước tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, cũng như nguồn cung ngoại tệ tích cực như FDI giải ngân 9 tháng đạt 15,9 tỷ USD, cán cân thương mại ước tính đạt thặng dư kỷ lục ở mức 19,9 tỷ USD.

Còn theo ý kiến của các chuyên gia Công ty Chứng khoán BSC, Ngân hàng Nhà nước đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm, hoàn toàn có khả năng can thiệp tỷ giá bằng việc bán USD. Trong diễn biến gần đây, bắt đầu từ ngày 21/09/2023, hoạt động trên thị trường mở đã trở lại. Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu, tái khởi động lại chu kỳ điều hành tỷ giá.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, tỷ giá đang kiểm định lại vùng 24.500 đồng/USD và có thể giảm trở lại vào cuối năm 2023. Rủi ro đối với dự báo là khả năng chỉ số đồng USD tăng mạnh về mức 110, khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể phải can thiệp thông qua bán ngoại tệ và kiềm giữ tỷ giá ở mức này cho đến cuối năm.

VDSC cũng cho rằng, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu. Tuy nhiên, động thái này không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ bởi hoạt động điều tiết cung tiền mang tính thời điểm và linh hoạt. Đồng thời, hiệu quả của can thiệp lên áp lực tỷ giá cũng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là diễn biến của chỉ số DXY.

Thanh Hồng

Lượt xem: 5
Tác giả: Tỷ giá “nổi sóng” do chính sách tiền tệ nới lỏng?
Tin liên quan