Tín dụng tăng chậm, ngân hàng gấp gáp tìm cách bơm tiền

Trước tình hình tín dụng tăng chậm, ngành ngân hàng đang tìm cách để đẩy vốn ra nền kinh tế. Bên cạnh giảm lãi suất, các ngân hàng đã cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp đi vay. Trong khi, vì chưa phải trả nợ nên các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi.

Số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 2/2023 NHNN đã giao room tín dụng cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) cả nước là 11%, theo định hướng cả năm khoảng từ 14-15%. Đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.

Cần gỡ nút thắt vốn từ doanh nghiệp

Tại họp báo thường kỳ quý II/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, hiện nay hạn mức tín dụng của các ngân hàng không thiếu, huy động vốn cũng không phải thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng.

-5957-1687580043.jpg

Ngành ngân hàng cũng đang tìm cách để đẩy vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh hệ thống vẫn phải duy trì hoạt động huy động vốn, phải trả lãi cho người gửi tiền.

Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn yếu bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới. Doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, tồn hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.

Hiện nay thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các NHTM Nhà nước, các NHTM cổ phần lớn, nhỏ. Phó Thống đốc khẳng định, các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế cần vốn và đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn sẽ được vay vốn.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng thừa nhận, khi doanh nghiệp có nhu cầu, có phương án sản xuất kinh doanh tốt thì chắc chắn ngân hàng sẽ tiếp cận, điều đó không khó. Đồng thời, nêu thực trạng, nhiều doanh nghiệp phương án sản xuất không rõ ràng, cụ thể. Nguồn vay có thể không đưa vào mua nguyên vật liệu mà cho mục đích khác. “Có doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng 10 tỷ đồng, nhưng sau đó lại mang tiền đó đi mua ô tô”, bà Ngân cho hay.

Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, nút thắt đầu tiên cũng từ phía doanh nghiệp. Nếu muốn gỡ là phải do mình, còn phía ngân hàng gỡ thủ tục hành chính nhưng cũng cần phải có cái nhìn khách quan hơn cho doanh nghiệp. Cũng không phải doanh nghiệp nào cũng xấu, thực tế có những thủ tục thoáng hơn, hỗ trợ nhiều hơn, song chuyện 'hành' doanh nghiệp cũng không phải là hiếm.

Tính đến cuối tháng 5/2023, đã có 21 ngân hàng thực hiện cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng doanh nghiệp, với hơn 15.463 tỷ đồng dư nợ gốc và lãi.

Ở góc độ ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ có đoàn công tác đi nắm tình hình tại các ngân hàng, làm rõ việc ngoài quy định chuẩn của ngân hàng ra thì có quy định gì khác không? "Nếu quy định chuẩn tín dụng thì chúng tôi chấp nhận, có quy định phi lý phải bỏ ngay. Doanh nghiệp vay vốn phải chứng minh vay làm gì? Vay phải có điều kiện năng lực tài chính… Đây là những quy định cứng", ông Tú nhấn mạnh.

Giãn, hoãn nợ giúp doanh nghiệp phục hồi

Trước tình hình tín dụng tăng chậm, ông Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng cũng đang tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế, trong bối cảnh hệ thống vẫn phải duy trì hoạt động huy động vốn, phải trả lãi cho người gửi tiền.

Ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, ngân hàng luôn sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp. “Chúng tôi sẵn sàng ngồi lại với những khách hàng mà tình hình tài chính và tình hình kinh doanh đang có những vướng mắc, để từ đó nhìn xem phương án kinh doanh của người ta có hướng đi hiệu quả hay không khi mà chúng tôi tham gia vào đồng hành cung cấp vốn”, ông Nguyên cho hay.

Hiện nhiều ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi để kích cầu khách hàng sử dụng vốn. Điển hình, Sacombank vừa phát đi thông tin cho biết, hưởng ứng thông điệp kêu gọi hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng ổn định, Sacombank tiếp tục tung gói ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho vay phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh việc giảm lãi suất, trong bối cảnh doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn, hoặc không đáp ứng được yêu cầu vay vốn, chính sách cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp đi vay giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi.

Bà Yunliu, chuyên gia kinh tế khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu Ngân hàng HSBC cho biết: Cùng với chính sách giảm lãi suất, việc hoãn nợ sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp tạo vòng quay sản xuất, kinh doanh liên tục hướng tới tiếp cận được các nguồn vốn trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Tổng giám đốc công ty Nhôm Đô Thành cho hay: Hiện nay sản lượng và doanh thu của giảm 40% ảnh hưởng rất lớn đến vòng quay vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, chính sách của ngân hàng liên quan đến giãn, hoãn nợ rất hữu ích, giúp doanh nghiệp gia tăng thời gian, tìm kiếm đơn hàng.

Đại diện OCB cho biết: Chúng tôi rất sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng để cơ cấu nợ. Thời gian để ngân hàng chấp thuận giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp khoảng từ 3 – 5 ngày làm việc. Tuy nhiên, để hạn chế nợ xấu, các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận, gia tăng dự phòng rủi ro.

Huyền Anh 

Lượt xem: 7
Tác giả: Cần gỡ nút thắt vốn từ doanh nghiệp
Tin liên quan