Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú làm việc với hệ thống ngân hàng tỉnh Hà Giang
Ngày 24/12/2022, đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành ngân hàng tỉnh Hà Giang.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hà Giang Nguyễn Ngọc Hải cho biết, trong năm 2022 dưới sự lãnh chỉ đạo sát sao của NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của ngành, hoạt động ngân hàng tại Hà Giang đã đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và hạn chế nợ xấu phát sinh, đáp ứng đủ tiền mặt và các phương tiện thanh toán cho nền kinh tế. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề đúng hướng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
NHNN Hà Giang đã chỉ đạo các TCTD quyết liệt triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của ngành, của Tỉnh; tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, các lĩnh vực ưu tiên, các mặt hàng thiết yếu; các ngành, nghề có thế mạnh và là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro,...
Xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tập trung cho vay các chính sách tín dụng ưu đãi, chỉ đạo các NHTM quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
NHNN Hà Giang cũng đã thành lập Tổ khảo sát nắm bắt, kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị định 31, làm việc với các Hội và Hiệp hội nghề nghiệp, Liên minh Hợp tác xã tỉnh để phối hợp tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các hội viên tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất thuận lợi; đồng thời, phối hợp khảo sát, nắt bắt nhu cầu vay vốn hỗ trợ lãi suất để các NHTM đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Triển khai các nhiệm vụ giải pháp thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 trong hoạt động ngân hàng.
Thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo giao dịch tiền mặt thông suốt và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giá trị và cơ cấu mệnh giá tiền của các TCTD, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn. Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại tỉnh Hà Giang thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng “Kế hoạch hành động của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Hà Giang”…
Tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD trên địa bàn đến ngày 31/12/2022 ước đạt 31.292 tỷ đồng. Trong đó, huy động tại địa phương ước đạt 16.053 tỷ đồng, tăng 963 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 6,4%; Tổng dư nợ ước đạt 28.241 tỷ đồng, tăng 2.212 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,5%. Đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tăng 8% do Hội đồng Nhân dân tỉnh giao. Đáng lưu ý là cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 18.837 tỷ đồng, chiếm 66,9%/tổng dư nợ; tăng 1.027 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 9,2%.
Cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ: dư nợ 27,4 tỷ đồng; dự kiến đến ngày 31/12/2022 dư nợ đạt 38 tỷ đồng/6 khách hàng. Chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: dư nợ là 12.527 tỷ đồng. Tín dụng chính sách tại NHCSXH: dư nợ ước đạt 4.281 tỷ đồng, chiếm 15,2%/tổng dư nợ trên địa bàn; so với ngày 31/12/2021 tăng 678 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 18,8%. Trong đó nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh theo Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng là 206 tỷ đồng... Chất lượng, tín dụng khá tốt, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,41%/tổng dư nợ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số khó khăn, hạn chế như sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp, cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp có thế mạnh chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh dẫn đến khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế còn thấp. Các doanh nghiệp trên địa bàn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, năng lực tài chính, kinh nghiệm và trình độ quản lý còn hạn chế, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa mang tính thị trường cao.
Cho vay Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt thấp do nhiều khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sinh sống, sản xuất kinh doanh tự phát tại địa bàn vùng sâu, vùng xa; không thực hiện đăng ký kinh doanh, nên không đủ điều kiện để được hưởng hỗ trợ lãi suất. Đa số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhiều ngành khác nhau, hoạt động đa lĩnh vực; trong khi đó chỉ có 9 ngành nghề được hỗ trợ lãi suất; nên việc xác định ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp, bóc tách dư nợ để xem xét hỗ trợ lãi suất gặp nhiều khó khăn…
Toàn cảnh buổi làm việc |
Phát biểu kết luận buổi làm việc Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đánh giá cao nỗ lực của NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang và các TCTD trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả trong năm 2022. Hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và NHNN. NHNN Chi nhánh tỉnh đã phát huy được vai trò, chức năng của mình trong quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của các TCTD trên địa bàn, phối hợp tốt với các Ban, ngành và chính quyền địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2023, Phó Thống đốc yêu cầu trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của NHNN về hoạt động ngân hàng trong năm 2023 sẽ được đề ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Ngân hàng sắp tới, hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hà Giang cần tích cực triển khai ngay và có hiệu quả trên địa bàn. Công tác tín dụng của các ngân hàng tại Hà Giang cần tập trung vào tín dụng chính sách, và tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, hạn chế rủi ro tín dụng. Trong đó, tăng cường công tác bảo đảm an toàn hệ thống Ngân hàng, hạn chế rủi ro và không để nợ xấu tăng lên.
Các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội về hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và tập trung vào các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao. Bên cạnh đó, bảo đảm nhu cầu tiền mặt trên địa bàn, đảm bảo công tác an toàn kho quỹ, thực hiện tốt quy định về kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang Nguyễn Ngọc Hải khẳng định, trong năm 2023, Chi nhánh sẽ tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tại địa phương và tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các TCTD đầu tư vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đẩy mạnh công tác huy động vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Thực hiện tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn; ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các lĩnh vực ưu tiên, các mặt hàng thiết yếu; các ngành, nghề có thế mạnh và là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số) theo Quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.