Những ngân hàng ngược dòng tăng lãi suất, khách VIP hưởng lợi lớn
Giữa xu hướng lãi suất tiết kiệm giảm sâu, một số ngân hàng vẫn ngược dòng tăng lãi suất huy động. Đáng chú ý, các ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất đặc biệt dành cho người gửi tiền với số lượng lớn.
Từ tháng 4 đến nay, lãi suất tiết kiệm liên tục giảm nhanh và dồn dập. Có ngân hàng trong 1 tháng giảm tới 3-4 lần lãi suất huy động.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện chỉ còn một nửa năm ngoái. Hiện hầu hết nhà băng đã đưa lãi suất niêm yết cao nhất về dưới 6% một năm. Có rất ít ngân hàng trả lãi từ 6% một năm trở lên.
Thậm chí, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đưa lãi suất huy động xuống thấp hơn cả nhóm Big4 (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank). Mức lãi suất 2% - thấp chưa từng có - đã xuất hiện trên thị trường.
Hiện lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn đã về thấp hơn giai đoạn Covid-19. Song đà giảm vẫn chưa dừng lại.
Trái lại với xu hướng giảm, gần đây, một số ngân hàng vẫn ngược dòng tăng lãi suất huy động.
Hôm nay (13/11), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đưa ra biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, nhà băng này giữ nguyên lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1-15 tháng nhưng tăng lãi suất các kỳ hạn từ 18-36 tháng đồng loạt thêm 0,3 điểm phần trăm.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 đến 21 tháng tăng từ 5,9% lên 6,2%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng tăng từ 6%/năm lên 6,3%/năm; kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,1%/năm lên 6,4%/năm. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 20/9 OCB có sự điều chỉnh về lãi suất huy động.
Trước đó, vào ngày 31/10, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn dài. MSB điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 15-36 tháng từ mức 5,5%/năm lên tới 6,2%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại vẫn được MSB giữ nguyên.
Ngày 4/10, Ngân hàng GPBank cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-36 tháng. Kỳ hạn 1-5 tháng vẫn được giữ nguyên 4,25%/năm. Tuy nhiên, các kỳ hạn 6 tháng trở lên được điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm.
Một số ngân hàng dù giảm mạnh lãi suất huy động thời gian qua nhưng vẫn duy trì chính sách “lãi suất đặc biệt” nhằm thu hút khách hàng lớn.
Chẳng hạn như ACB, dù đã đưa lãi suất huy động các kỳ hạn về dưới 5%/năm nhưng cũng áp dụng lãi suất đặc biệt ở kỳ hạn 13 tháng dành cho khách gửi từ 200 tỷ đồng trở lên. Mức lãi suất “khủng” được ACB áp dụng là 6,5%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ) và 6,25%/năm (lĩnh lãi hàng tháng).
ACB cộng thêm 0,1 điểm phần trăm với mỗi mức tiền gửi khác nhau như từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, từ 1-5 tỷ đồng và từ 5 tỷ đồng trở lên.
Tương tự, HDBank đang áp dụng mức lãi suất huy động tại quầy, kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng lần lượt là 8,2%/năm và 8,6%/năm cho khoản tiền gửi tối thiểu 300 tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng MSB cũng đang trả lãi suất huy động tại quầy lên đến 9%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng với số tiền gửi tối thiểu từ 500 tỷ đồng trở lên.
Thậm chí, PVcomBank đang niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất kì hạn 13 tháng là 10,5%/năm, đối với sản phẩm tiết kiệm đại chúng, áp dụng gửi tiết kiệm tại quầy cho số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỉ đồng trở lên. Ở điều kiện thường, PVcomBank đang niêm yết lãi suất cao nhất kỳ hạn 13 tháng ở mức 5,6%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy.