Nhiều yếu tố tác động đến tăng trưởng ngân hàng

Trước đây, đặc biệt là hai năm Covid-19, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng phổ biến trên 40%, nhờ tín dụng tăng mạnh và chi phí giảm. Tuy nhiên, câu chuyện năm nay đã khác khi dư nợ tăng trưởng tín dụng quý đầu năm ở mức thấp, NIM giảm mạnh…

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thu nhập từ tín dụng của ngành ngân hàng trong năm 2023 sẽ tăng trưởng chậm lại do tác động từ tăng trưởng tín dụng thấp cùng với biên lãi thuần giảm. Tăng trưởng tín dụng của năm nay dự báo chỉ ở mức 11-12,5 (thấp hơn so với 2022). Ngoài ra, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản và nhu cầu tín dụng dự báo giảm, cũng sẽ tác động đến ngành.

NIM tăng và CASA giảm

Một trong nhiều nguyên nhân giúp lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh trong 2 năm Covid-19 là nhiều đơn vị nới rộng được chênh lệch thu, chi từ lãi đến từ nghiệp vụ huy động và tín dụng.

Trong khi thu nhập lãi và thu nhập tương tự vẫn tăng tốt, tốc độ tăng chi lãi và các chi phí tương tự của một số ngân hàng, chủ yếu gồm chi lãi tiền gửi và chi lãi phát hành giấy tờ có giá tăng chậm so với cùng kỳ, thậm chí ở một số đơn vị còn giảm.

-9981-1685441487.jpg

Lợi nhuận ngân hàng năm 2023 sẽ tăng chậm lại do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Tuy nhiên, câu chuyện năm nay đã khác khi dư nợ tăng trưởng tín dụng quý đầu năm ở mức thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng huy động vốn đến ngày 27/4/2023 chỉ đạt 1,78% so với đầu năm, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.

Chưa kể, sau cuộc đua lãi suất huy động diễn ra mạnh vào nửa cuối năm ngoái, một số ngân hàng thậm chí đang phải "gồng mình" trả lãi tiền gửi.

Quý đầu năm, biên lãi thuần (NIM) trung bình của 25 ngân hàng niêm yết giảm 18 điểm cơ bản do các ngân hàng đã phải hi sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Hơn nữa, NIM của một số ngân hàng thương mại như Techcombank, TPBank, VPBank, MB… giảm đáng kể do trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng, 2 lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường đang khó khăn.

Mặt khác, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng cũng giảm mạnh trong quý đầu năm, khiến cho phí hoạt động tăng lên. Điển hình, tại Techcombank, tỷ lệ CASA giảm từ 37% xuống 32%; MB giảm từ 40,6% xuống 35,5%; Vietcombank giảm từ 33,9% xuống 30,4%; MSB giảm từ 31,1% xuống còn 22,6%. ACB có tỷ lệ CASA cao thứ 5 hệ thống cũng ghi nhận tỷ lệ này giảm từ 22,3% hồi đầu năm xuống còn 20,16% vào cuối tháng 3; tỷ lệ CASA của VietinBank điều chỉnh từ 20% xuống 18%...

Việc CASA giảm mạnh và lãi suất huy động tăng cao trong nửa cuối năm 2022 đã gây áp lực đáng kể tới kết quả kinh doanh quý I/2023 của các ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, từ nay đến cuối năm, nâng tỷ lệ CASA sẽ là một bài toán khó. Một phần do mức độ cạnh tranh giữa các nhà băng đang ngày càng tăng lên, một phần do lãi suất vẫn ở mức tốt so với đầu tư chứng khoán, bất động sản, trái phiếu nên khách hàng có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để lấy lãi thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán, phục vụ cho nhu cầu đầu tư, tiêu dùng…

Đâu là động lực tăng trưởng trong năm nay?

Theo ước tính của phần lớn chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng năm 2023 sẽ tăng chậm lại do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Trong báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng năm 2023, nhóm phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDirect dự báo chỉ ở mức khoảng 10-11%, thay vì mức 32% của năm 2022.

Mới đây, NHNN hạ lãi suất điều hành, trong đó hạ trần lãi suất huy động là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm lãi suất cho vay. Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động, giúp giảm chi phí vốn cho các nhà băng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ: lãi suất huy động từ tổ chức và ngân hàng tư nhân thời gian qua đang leo cao. Với động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 của NHNN, chắc chắn trong thời gian tới lãi suất sẽ còn hạ xuống nữa và chi phí vốn cũng hạ.

"Các NHTM đã cố gắng tiết kiệm vốn và chi phí tối đa để có cơ hội giảm lãi suất, nhưng cái lớn nhất trong khấu phần lãi suất cho vay là chi phí vốn. Nếu giảm được chi phí vốn, các ngân hàng có cơ hội giảm đáng kể hơn lãi suất cho vay", ông Hưng cho biết.

Bên cạnh đó, trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về triển khai hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm nay, NHNN cho biết sẽ nghiên cứu để giữ ổn định tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong việc giảm lãi vay.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho rằng, việc giữ ổn định tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn như NHNN dự kiến là động thái rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, thách thức.

Bởi chính sách này sẽ giúp các ngân hàng thuận lợi hơn khi cung ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. "Từ ngày 1/10 tới, nếu tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lùi về mức 30% sẽ là áp lực rất lớn đối với các ngân hàng. Các doanh nghiệp, khách hàng cũng sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, chưa kể việc giảm lãi suất cho vay cũng bị ảnh hưởng", vị này nói.

Thực tế, khi lãi suất cho vay giảm, nguồn vốn tăng sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh vốn ra thị trường, theo đó trưởng tín dụng sẽ tăng nhanh hơn.

Huyền Anh

Lượt xem: 4
Tác giả: NIM tăng và CASA giảm
Tin liên quan