Ngân hàng không dễ thu hồi nợ khi ôm tài sản đảm bảo
Gần đây, trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc. Không ít ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, dù đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay.
Các chuyên gia kỳ vọng Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sửa đổi cho phép mở rộng đối tượng và phạm vi mua bán nợ xấu, bao gồm cả việc mua nợ từ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều này sẽ giúp xử lý những khoản nợ xấu đang vay tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước, vốn chưa được xử lý triệt để trước đây.
Ngân hàng rao bán nợ chục lần vẫn ế
Từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều nhà băng ồ ạt thanh lý tài sản đảm bảo là nhà đất, dự án bất động sản, khách sạn trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, không xoay xở được dòng tiền trả nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, phần lớn các tài sản với trị giá từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng này đều không dễ bán.
Chẳng hạn, với khoản nợ của Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp, VietinBank đấu giá đến lần 20 vẫn không thành.
Sắp tới, ngân hàng sẽ được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. |
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết đa phần các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo, chủ yếu là bất động sản. Tuy nhiên, giá trị tài sản lớn đang là rào cản khiến ngân hàng khó tiếp cận được khách hàng.
Để đảm bảo khả năng thu hồi vốn, ngân hàng thường phát giá bán bất động sản theo nguyên tắc bằng giá trị gốc khoản vay cộng lãi vay và tiền lãi chậm trả. Trong trường hợp thị trường bất động sản không biến động mạnh, giá trị tài sản thanh lý có thể sát với giá thực tế trên thị trường, nhưng trong bối cảnh thị trường lao dốc như 2 năm qua, mức giá thanh lý có thể không còn hấp dẫn.
Theo quy định, giá khởi điểm của mỗi lần đấu giá sau không được giảm quá 10% so với giá khởi điểm của phiên đấu giá trước. Do đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, giá bất động sản được rao bán vẫn còn quá cao nên không hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã xử lý được gần 8.200 tỷ đồng nợ xấu, đạt 70% kế hoạch năm.
Vì thế, nhiều tài sản đảm bảo được các ngân hàng rao bán hàng chục lần vẫn chưa tìm được người mua. “Sau nhiều lần hạ giá bán, các tài sản là bất động sản mới về mức giá hợp lý, thì vẫn có nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính sẵn sàng mua", một chuyên gia nói.
Có nhiều lý do khiến các khoản nợ nghìn tỷ của ngân hàng ế ẩm như: do khách hàng kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu. Hay với các ngân hàng có vốn Nhà nước, việc thanh lý tài sản bảo đảm còn khó khăn hơn do Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cách thức thẩm định giá khoản nợ…
Kỳ vọng xử lý nợ xấu thuận lợi hơn với quy định mới
Tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng 2024, theo quy định mới, sắp tới ngân hàng sẽ được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong quá trình xử lý nợ xấu.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết: "Quy định mới trao quyền cho ngân hàng có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản là tài sản đảm bảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu. Hiểu một cách nôm na là một dự án gồm nhiều tòa nhà khác nhau đang là tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu, thì nay ngân hàng có thể tìm người mua một phần trong số tài sản này, chia nhỏ tài sản, chia nhỏ giá trị sẽ thuận lợi cho người mua tiếp cận hơn, thay vì phải mua toàn bộ khối tài sản lớn".
PwC Việt Nam cho hay, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 tạo cơ hội cho tổ chức tín dụng chuyển nhượng các dự án bất động sản là tài sản đảm bảo đáp ứng các quy định nghiêm ngặt để xử lý nợ xấu. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hồi nợ và giảm thiểu nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản.
Trước đó, Luật chỉ cho phép chuyển nhượng các bất động sản đã hoàn thiện để thu hồi nợ, bao gồm: kế hoạch chi tiết đã được phê duyệt, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành và có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Bà Hoàng Thị Mai Thảo, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, đánh giá quy định mới trong Luật Các tổ chức tín dụng sẽ tạo ra sự minh bạch cho thị trường, giúp khách hàng yên tâm hơn khi giao dịch bất động sản. Nếu có quá trình nợ xấu xảy ra, việc xử lý thu hồi nợ cũng sẽ được đảm bảo nhanh hơn nhờ có hành lang pháp lý rõ ràng.
Ngoài ra, để giảm rủi ro cho các khoản vay, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 tới đây cũng quy định yêu cầu chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ trước khi bán cho khách hàng. Thay vì như trước đây, chủ đầu tư thế chấp cả tòa nhà tại ngân hàng rồi bán từng căn hộ cho khách hàng; sau đó khách hàng lại mang căn hộ đi thế chấp vay vốn tại ngân hàng khác. Trong trường hợp chủ đầu tư hoặc khách hàng không có khả năng trả nợ, khoản nợ chuyển nhóm thành nợ xấu, sẽ phát sinh tranh chấp giữa 2 ngân hàng khi xử lý tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng cần rà soát Bộ luật Dân sự 2015 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi Luật Phá sản theo hướng cho phá sản đối với doanh nghiệp yếu kém, không còn khả năng phục hồi để giảm gánh nặng cho nền kinh tế.
Huyền Anh