Ngân hàng còn nhiều 'cửa' sinh lời

Tín dụng phục hồi tốt, các ngân hàng đang đẩy mạnh khai thác mảng kinh doanh ngoài lãi, ngân hàng số phát triển giúp giảm chi phí, trích lập dự phòng rủi ro giảm... đây là những yếu tố giúp các nhà băng đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng đột phá trong năm nay.

Theo dự báo của Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của các ngân hàng có thể đạt khoảng từ 24-25% so với năm trước. 

Mục tiêu lãi khủng

Trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, nhiều ngân hàng đã công bố tài liệu dự thảo với kế hoạch kinh doanh tăng trưởng đột phá, trong đó mục tiêu lãi khủng. Mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất thời điểm hiện tại là 107,5% thuộc về Eximbank. Tiếp đến là VPBank với mục tiêu tăng 107%.

lo-i-nhua-n-jpeg-5126-1649781637.jpg

SeABank đặt mục tiêu kế hoạch 2022 lợi nhuận trước thuế đạt 4.866 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2021

Hàng loạt ngân hàng khác cũng đặt mục tiêu lợi tăng trưởng lợi nhuận khá cao như: VietBank tăng 71,4%, ABBank tăng 56%, SeABank tăng 50%, TPBank tăng 35%, MSB tăng 30%, ACB tăng 25%, Techcombank tăng 16,2%...

Bên cạnh đó, các “ông lớn” quốc doanh cũng đã hé lộ mục tiêu lợi nhuận trong năm nay. Điển hình, VietinBank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, VietinBank có để đạt hơn 19.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022.

Trong khi đó, Vietcombank dự kiến trình cổ đông xem xét thông qua lợi nhuận mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 12%. Trong năm 2021, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 27.389 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Như vậy, với mục tiêu đặt ra, lợi nhuận của Vietcombank tối thiểu phải đạt 30.675 tỷ đồng.

Còn tại BIDV thời điểm hiện tại chưa công bố tài liệu dự thảo chi tiết. Tuy nhiên, tại báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia chứng khoán SSI ước tính, BIDV sẽ đạt 19,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, tăng 42,4% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận khá cao trong nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước.

Dù lợi nhuận mục tiêu khá tham vọng, nhưng cũng không phải là thiếu khả thi khi mà một số ngân hàng đã sớm chứng kiến lợi nhuận khả quan ngay từ quý đầu năm nay. Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MB cho hay, lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2022 của ngân hàng ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tại VIB, lợi nhuận quý I/2022 đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm…

Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trong quý I/2022, các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là SHB, Sacombank, MSB, VPBank và LienVietPostBank.

Động lực đến từ đâu?

Theo giới phân tích, một trong những động lực quan trọng kéo lợi nhuận của các ngân hàng ngay từ đầu năm đến từ hoạt động tín dụng.

Báo cáo mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng quý I/2022 tăng 5,04%, tăng gấp 4 lần mức tăng quý I/2021 (tăng 1,26%). Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, dịch bệnh đã giảm bớt và các doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất kinh doanh tích cực, người dân cũng đang trở lại cuộc sống bình thường nên nhu cầu vốn lúc này tăng khá cao. Tín dụng tăng mạnh trong quý I/2022 chứng tỏ nền kinh tế có những khởi sắc, khôi phục một cách rất tích cực.

Thực tế, các ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao trong năm nay. Điển hình như VPBank kỳ vọng tín dụng tăng 35% dựa trên nhu cầu và năng lực của ngân hàng, còn số liệu thực tế sẽ thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Hay như Eximbank cho biết năm nay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao là 10%, tuy nhiên trong điều kiện thuận lợi, ngân hàng sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức này.

Trong báo cáo phân tích gần đây, chứng khoán SSI duy trì quan điểm tích cực về ngành ngân hàng trong năm 2022. Theo đó SSI cho rằng, có những yếu tố tác động tích cực khiến lợi nhuận của nhóm ngành có thể đạt mức cao hơn so với ước tính hiện tại như nền kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến và các khoản thu nhập bất thường từ bancassurance.

Ví dụ vào cuối năm ngoái, một hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền giữa VietinBank và Manulife đã được ký kết, song khoản phí trả trước vẫn chưa được ghi nhận vào báo cáo tài chính năm 2021. Các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KB cho rằng, hàng triệu USD phí trả trước từ hợp đồng này sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận quý I/2022 của VietinBank. Một số công ty chứng khoán ước tính, mức phí trả trước mà VietinBank nhận về khoảng 350 triệu USD.

Tương tự như VIB cho biết năm nay sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu ngoài mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi, giúp đa dạng hóa nguồn thu và nâng cao hiệu suất sinh lời. Nhờ yếu tố này mà ngân hàng tự tin sẽ đạt mục tiêu lãi chục nghìn tỷ trong năm nay.

Ngoài yếu tố về tín dụng, bancassurance, còn có nhiều yếu tố nữa khiến lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ vượt trội như: ngân hàng số ngày càng phát triển, giúp ngân hàng giảm chi phí, cải thiện lợi nhuận. Hay như hiện tại nhiều ngân hàng nâng mức trích lập dự phòng cao hơn mức quy định (trích lập 100% dự phòng cho nợ cơ cấu trong khi cho phép trích lập trong 3 năm), nên cơ hội được hoàn nhập dự phòng, gia tăng lợi nhuận là rất lớn.

Huyền Anh

Lượt xem: 245
Tác giả: admin1
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan