Ngân hàng cần làm gì trong cuộc đua số hóa?

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã gia tăng chóng mặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài gần hai năm qua. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng muốn số hóa thành công, ngân hàng cần thực hiện một số điều như: Bảo đảm sự an toàn, bảo mật; Nâng cao trình độ của nhân viên ngân hàng...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Chỉ thị yêu cầu triển khai các định hướng, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng về Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Chuyển đổi số mạnh mẽ

Thời gian qua NHNN đã rà soát, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Nhờ đó, chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, mở rộng quy mô và phạm vi, được ghi nhận bằng nhiều thành quả.

so-hoa-ngan-hang-3839-1642557074.jpg

Các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm thu hút khách hàng.

Khảo sát của VnBusiness, trong năm qua, nhiều ngân hàng đã chi hàng triệu cho đến hàng chục triệu USD để hợp tác với các "ông lớn" công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa dữ liệu lên điện toán đám mây. Đồng thời, cũng có những ngân hàng chọn cách đi khác là cho ra mắt hàng loạt các ứng dụng ngân hàng số hoặc ngân hàng thuần số hoàn toàn mới nhằm khẳng định vị thế của mình.

Đến nay, nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số. Cùng với đó, hệ sinh thái số, thanh toán số cũng được thiết lập để kết nối các dịch vụ ngân hàng với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm mới mẻ và tiện ích cho người tiêu dùng trên không gian số.

Đơn cử, TPBank triển khai mô hình ngân hàng LiveBank hoàn toàn tự động giúp khách hàng chỉ mất 3s để nhận diện và 30s để xử lý giao dịch. Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm khách hàng trên ngân hàng trực tuyến (Ebanking), giảm thiểu thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng.

MBBank đã triển khai tích hợp tất cả các giao dịch ngân hàng và quản lý tài chính hoàn toàn miễn phí trên app MBBank và Biz MBBank. Hay có thể kể đến những cái tên nổi lên khác như VPBank NEO của VPBank, Ipay của VietinBank…

"Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện, trình Chính phủ nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Chị Kim Chi (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện nay dù đã có thể mua bán, giao dịch thanh toán tận nơi nhưng chị vẫn chuộng các giao dịch online và thanh toán qua chuyển khoản hoặc ví điện tử để giảm tiếp xúc.

“Qua một mùa dịch dài, tôi đã thuần thục các giao dịch online trên Open Banking của Nam A Bank nên hiện nay vẫn muốn duy trì. Ngay cả mở tài khoản ngân hàng tôi cũng muốn thực hiện online thay vì ra chi nhánh, phòng giao dịch như trước và thấy rất tiện lợi”, chị Kim Chi nói.

Thay đổi theo bước chân người tiêu dùng

Nhận định về “hành trình” chuyển đổi số của ngân hàng trong thời gian qua, nói tại tọa đàm "Thấu hiểu khách hàng để mang đến trải nghiệm vượt trội" được tổ chức mới đây, ông Vũ Tất Thành, chuyên gia công nghệ cho rằng, để chuyển đổi số thành công và xây dựng được hệ sinh thái số cần giải quyết nhiều thách thức. Trong đó, phải kể đến là sự chấp nhận khách hàng trong thay đổi hành vi thói quen, sử dụng dịch vụ.

"2 năm gần đây, tại sao chúng ta có sự phát triển nhanh và sử dụng dịch vụ số nhiều là do tác động của thời gian giãn cách xã hội và tác động của dịch Covid-19. Đây chính là cú hích để khách hàng thay đổi thói quen và khiến khách dễ chấp nhận hơn việc mua sắm online, thương mại điện tử. Khi mua sắm online nhiều, thương mại điện tử nhiều sẽ kéo theo thanh toán online, dịch vụ ngân hàng số, giúp thay đổi hành vi người sử dụng", ông nói.

Cùng chung nhận định, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, cho rằng ngân hàng phải hướng đến khách hàng, những hành vi tiêu dùng hàng ngày của khách hàng để cung cấp những dịch vụ mà khách hàng cần. Người dân không phải lúc nào cũng vào ứng dụng ngân hàng số.

Do đó, ông Lân cho rằng vấn đề là ngân hàng phải lồng ghép dịch vụ của mình vào hoạt động mua sắm, tiêu dùng của người dân để có thể thanh toán đơn giản, dễ dàng nhất có thể. Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục miễn, giảm phí ngân hàng cùng với dịch vụ, sản phẩm ngân hàng dễ sử dụng.

"Vừa rồi VietinBank cung cấp dịch vụ đặt tên cho số tài khoản, thay vì phải nhớ số tài khoản. Người dân cảm thấy vui khi sử dụng dịch vụ ngân hàng", ông Lân nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng muốn số hóa thành công, ngân hàng cần thực hiện một số điều như: Bảo đảm sự an toàn, bảo mật; Nâng cao trình độ của nhân viên ngân hàng...

Liên quan đến bảo vệ người sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank nhận định, công nghệ an toàn bảo mật đặc biệt quan trọng và Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra yêu cầu với các ngân hàng về lộ trình thực hiện. "Riêng Sacombank đã nâng cấp hệ thống bảo mật giao dịch trực tuyến 3D secure lên phiên bản 2 vào năm 2020, giúp gia tăng trải nghiệm và độ an toàn bảo mật cho các giao dịch trực tuyến của khách hàng", ông Tâm nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, xét về vai trò của Nhà nước, cần tạo khung pháp lý. Ví dụ như chữ ký số đã có khung pháp lý chưa, giao dịch đã bảo đảm chưa?...

"Tôi rất mong khung pháp lý của Việt Nam sẽ hoàn thiện trong thời gian tới để giao dịch số của Việt Nam được an toàn và khung pháp lý hoàn chỉnh", TS. Lê Đăng Doanh nói.

Lượt xem: 462
Tác giả: Chuyển đổi số mạnh mẽ
Tin liên quan