Hiện diện thương hiệu ngân hàng trên không gian số
Trong tháng 8/2024, theo nghiên cứu của Vibiz, các ngân hàng lớn tại Việt Nam như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank); Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thu hút nhiều sự chú ý từ công chúng thông qua các hoạt động truyền thông. Việc xây dựng và quản lý hình ảnh thương hiệu trên các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội trở thành yếu tố then chốt trong việc củng cố niềm tin và gia tăng sự nhận diện.
Lượng đề cập tổng thể
Lượng đề cập tổng thể là một chỉ số quan trọng, cho thấy mức độ phủ sóng và nhận diện của thương hiệu trên các nền tảng truyền thông. Dẫn đầu trong tháng 8/2024 là BIDV chiếm 19,78% tổng lượt đề cập, theo sau là Agribank (18,67%) và Vietcombank (16,91%). Điều này cho thấy BIDV đã có sự hiện diện nổi bật, có thể là nhờ vào các chiến dịch truyền thông hoặc các hoạt động liên quan đến sản phẩm, dịch vụ nổi bật trong tháng.
Các thương hiệu như VPBank (11,67%) và MB Bank (3,84%) có lượng đề cập thấp hơn, cần có sự đẩy mạnh trong các hoạt động truyền thông hoặc tăng cường các sự kiện công chúng để thu hút sự quan tâm nhiều hơn.
Thống kê lượng đề cập
(Nguồn: Vibiz tổng hợp, tháng 8/2024)
Đề cập trên mạng xã hội (MXH) và ngoài MXH
Một trong những yếu tố quyết định thành công của các chiến dịch truyền thông hiện nay là sự hiện diện trên mạng xã hội. Dẫn đầu trong lĩnh vực này là VPbank với 4,35% tổng lượng đề cập, ngân hàng này đã tận dụng tốt các kênh truyền thông xã hội để tiếp cận và tương tác với khách hàng. BIDV và MB Bank cũng có sự hiện diện tương đối tích cực trên MXH chiếm lần lượt 3,28% và 3,18% tổng lượt đề cập.
Ngược lại, về số lượt đề cập ngoài MXH, Agribank (18,08%) và BIDV (16,5%) có số liệu cao nhất, các ngân hàng này đã thành công trong việc tận dụng truyền thông truyền thống, như báo chí, truyền hình, hoặc các sự kiện lớn để tạo tiếng vang.
Lượng đề cập trên MXH và ngoài MXH
(Nguồn: Vibiz tổng hợp, tháng 8/2024)
Tương tác trên mạng xã hội
Khi xem xét về mức độ tương tác trên MXH, Vietcombank chiếm ưu thế với 43% tổng lượt tương tác, sự hiệu quả của nội dung mà ngân hàng này đã chia sẻ có khả năng tương tác với người dùng rất tốt. Techcombank và Agribank cũng có lượng tương tác đáng kể chiểm lần lượt 20% và 17% tổng lượt tương tác, phản ánh mức độ quan tâm lớn từ công chúng đối với các bài đăng của hai thương hiệu này.
Các ngân hàng khác như BIDV và MBBank có lượng tương tác thấp hơn (7% và 6%), cần có sự điều chỉnh về nội dung hoặc phương thức tiếp cận người dùng trên các nền tảng MXH.
Lượng tương tác trên MXH
(Nguồn: Vibiz tổng hợp, tháng 8/2024)
Lượt chia sẻ, like, và bình luận
Techcombank nổi bật hơn cả với tỷ lệ 56,12% lượt chia sẻ, cao nhất trong tất cả các thương hiệu, chiếm hơn một nửa tổng số lượt chia sẻ. Điều này cho thấy chiến lược truyền thông của Techcombank có khả năng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều sự quan tâm chia sẻ từ công chúng. Tuy nhiên, tỷ lệ lượt like và bình luận của Techcombank vẫn thấp hơn so với Vietcombank.
Vietcombank dẫn đầu về lượt like với 45,94% tổng số, chứng tỏ sức hút mạnh mẽ trong việc thu hút lượt tương tác thông qua việc thích. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng chiếm tỷ lệ 25,23% lượt bình luận, cho thấy mức độ thảo luận về thương hiệu này khá cao.
BIDV có tỷ lệ chia sẻ và bình luận khá đồng đều, lần lượt là 15,65% và 17%. Điều này cho thấy thương hiệu BIDV không chỉ tạo ra sự lan tỏa qua chia sẻ mà còn thúc đẩy các cuộc thảo luận trực tuyến.
Lượng chia sẻ, like và bình luận
(Nguồn: Vibiz tổng hợp, tháng 8/2024)
Sắc thái cảm xúc
BIDV có tỷ lệ đề cập tích cực cao nhất (22,91%) và cũng có tỷ lệ đề cập tiêu cực cao (20,03%), cho thấy ngân hàng này nhận được sự quan tâm nhiều từ cộng đồng, cả tích cực và tiêu cực.
VietinBank và Agribank có tỷ lệ đề cập tích cực khá tương đồng, lần lượt là 17,03% và 17,65%, cả hai ngân hàng này đều có mức độ thảo luận tích cực ổn định. Tỷ lệ đề cập tiêu cực của VietinBank (15,72%) thấp hơn một chút so với Agribank (17,08%).
Vietcombank có tỷ lệ đề cập tích cực (14,86%) tương đối cao nhưng đồng thời có tỷ lệ đề cập tiêu cực lớn (16,40%), trong tháng 8/2024, ngân hàng này đã đối mặt với những phản ứng trái chiều từ phía khách hàng và truyền thông.
Techcombank và MB Bank có tỷ lệ đề cập tích cực thấp hơn nhiều so với các ngân hàng lớn khác, lần lượt là 7,74% và 4,95%. Tuy nhiên, tỷ lệ đề cập tiêu cực của Techcombank (5,58%) cũng tương đối thấp, cho thấy ngân hàng này không gặp nhiều phản ứng tiêu cực. MB Bank có tỷ lệ tiêu cực thấp nhất trong tất cả các ngân hàng (1,69%).
Lượng đề cập tích cực, tiêu cực
(Nguồn: Vibiz tổng hợp, tháng 8/2024)
Tổng thể, Techcombank nổi bật với chiến lược truyền thông hiệu quả, với lượng tương tác cao, nhiều lượt chia sẻ, và hình ảnh thương hiệu tích cực. Vietcombank cũng chứng tỏ vị thế vững chắc của mình với lượng tương tác lớn, đặc biệt là số lượt like và bình luận áp đảo. Agribank và BIDV dù có sự hiện diện mạnh mẽ nhưng cần chú ý đến quản lý cảm xúc công chúng để giảm bớt số lượng đề cập tiêu cực. Trong khi đó, VPBank, MB Bank, và Sacombank có dấu hiệu cần tăng cường chiến lược truyền thông để nâng cao sự hiện diện và tương tác với khách hàng.
BCSI (Tổng hợp)