Các ngân hàng triển khai quyết liệt phương án tái cơ cấu
Tại Hội nghị ngành ngân hàng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều chỉ đạo, trong đó yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành, ngay đầu năm 2024, hai ngân hàng lớn là Techcombank và BIDV sẽ trình cổ đông về phương án tái cơ cấu này.
Xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển bền vững
Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025 chính thức được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022. Đề án có mục tiêu tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất, nhằm cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; xây dựng hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Đề án nhằm phát triển hệ thống các TCTD, theo hướng các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật. Cùng với đó là tiệm cận với thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Đó cũng là lý do vì sao, trong thời gian gần đây, thực hiện theo lộ trình của toàn ngành, nhiều nhà băng đã trình cổ đông thông qua phương án cơ cấu lại và báo cáo NHNN. Đây cũng là hành động được các cổ đông và nhà đầu tư quan tâm và đánh giá cao, giúp họ có đánh giá toàn diện về tình hình tài chính của ngân hàng, đồng thời hiểu hơn về kế hoạch kinh doanh ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo hiệu quả và an toàn hoạt động trong tương lai.
Ngay đầu năm 2024, có 2 ngân hàng lớn là Techcombank và BIDV sẽ trình cổ đông thông qua Phương án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Cụ thể, Techcombank cũng vừa chốt ngày đăng ký cuối cùng là 23/1/2024 để thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua Phương án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025. Tại BIDV, ngày 30/1, nhà băng sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, để trình thông qua Phương án cơ cấu lại, bên cạnh việc bầu bổ sung thành viên HDQT và thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Các ngân hàng triển khai quyết liệt phương án tái cơ cấu |
Các bước tiến này cho thấy sự nghiêm túc của các ngân hàng trong việc thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để phát triển ngành ngân hàng lành mạnh, bền vững. Bên cạnh việc thông qua Phương án cơ cấu lại, các ngân hàng cũng trình cổ đông cho phép HĐQT được chủ động xây dựng, hoàn thiện, tu chỉnh Phương án theo yêu cầu của cơ quan quản lý, thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình triển khai.
Trước đó, trong năm 2023, nhiều ngân hàng cũng đã thông qua phương án cơ cấu lại. Chẳng hạn như hồi tháng 12/2023, VPBank đã lấy ý kiến bằng văn bản phê duyệt phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025. Cũng cùng thời điểm này, ĐHĐCĐ Eximbank thông qua tờ trình của HĐQT về phương án cơ cấu lại hoạt động đến năm 2025. Hồi tháng 5/2023, VIB họp cổ đông bất thường thông qua nội dung Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
Các mục tiêu quan trọng
Phương án tái cơ cấu của các ngân hàng bao gồm nhiều nội dung, không chỉ chú trọng việc xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản.
Cụ thể, Phương án tái cơ cấu bao gồm các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh, tính minh bạch trong hoạt động. Trong đó, các ngân hàng cần nêu được lộ trình tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế. Một số ngân hàng uy tín lớn có thể đề xuất đến giải pháp niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng cũng phải có phương án để hiện đại hoá hoạt động, chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong việc xây dựng tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, ngân hàng phải xác định rõ chiến lược trong từng thời kỳ, có kế hoạch phát triển thương hiệu… Ngân hàng phải đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn, thách thức và các xu hướng có thể ảnh hưởng đến hoạt động.
Trong phương án cơ cấu lại, một nội dung quan trọng khác nữa là việc tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro nâng cao, trong đó tiếp tục triển khai Basel II. Các ngân hàng cũng sẽ có lộ trình phát triển mạng lưới, kế hoạch phát triển bền vững, thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng….
Các ngân hàng sẽ đánh giá tóm tắt những kế quả đạt được trong giai đoạn 5 năm trước, và cập nhật tình hình tài chính đến thời điểm gần nhất, từ đó chỉ ra được các hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc và có bài học kinh nghiệm.
Ngân hàng đẩy mạnh thực hiện phương án tái cơ cấu
Trên thực tế, những nội dung này không quá xa lạ vì phần nào đó đã xuất hiện trong chiến lược kinh doanh được công bố của các nhà băng và được họ đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua.
Tại Techcombank, ngân hàng có chiến lược chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống giai đoạn 2021-2025. Ngân hàng này đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ CASA sẽ đạt 55%, Vốn hoá thị trường đạt 20 tỷ USD đưa Techcombank trở thành một trong những ngân hàng có giá trị nhất, Tỷ lệ ROE hướng tới 20%, Tỷ lệ thu nhập ròng từ phí/tổng thu nhập hoạt động khoảng 30%.
Về mục tiêu cải thiện vốn tự có, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tại thời điểm cuối quý 3/2023, Techcombank là ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất hệ thống, đạt hơn 127 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Nhà băng cũng sở hữu tỷ lệ CAR cao dẫn đầu ngành, ở mức 15%, gần gấp đôi mức yêu cầu của Basel II (8%). Chất lượng tài sản được kiểm soát chặt với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,4%, nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
Techcombank cũng đi đầu trong hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Trong các năm gần đây Nhà băng luôn duy trì vị thế dẫn đầu vượt trội trong g đầu tư công nghệ, đưa vào áp dụng những nền tảng hàng đầu thế giới cũng như ứng dụng AI, Big Data vào hoạt động thực tế, từ đó giúp quy mô khách hàng tăng trưởng nhanh và vượt mốc 13 triệu khách hàng.