Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Nâng cao niềm tin đối với hệ thống ngân hàng
6 tháng đầu năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thu phí bảo hiểm tiền gửi (BHTG) gần 6.000 tỷ đồng, đạt 53,2% kế hoạch; tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đã thực hiện đầu tư là gần 115.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023…
Theo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng số tổ chức tham gia BHTG là 1.279 tổ chức (giảm 1 tổ chức tham gia BHTG so với thời điểm cuối năm 2023), bao gồm: 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.178 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Những kết quả nổi bật 6 tháng đầu năm
Về cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và nâng cao niềm tin đối với hệ thống ngân hàng.
Trong 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện cấp 201 bản sao Chứng nhận tham gia BHTG, cấp lại 3 Chứng nhận tham gia BHTG; thu hồi 1 Chứng nhận tham gia BHTG. Công tác thu hồi và công bố thông tin thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Về tổng số phí BHTG, trong 6 tháng đầu năm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thu được 5.985 tỷ đồng, đạt 53,2% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Theo đánh giá của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các tổ chức tham gia BHTG đã chấp hành tốt quy định về tính và nộp phí BHTG theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam về phí BHTG.
Để việc thu phí BHTG bảo đảm đúng quy định của pháp luật, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp và xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh liên quan đến tính và thu phí BHTG; đồng thời thường xuyên theo dõi, phân tích biến động số dư tiền gửi được bảo hiểm của các TCTD.
Cùng với đó, công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, bổ sung nguồn thu cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Tính đến ngày 20/6/2024, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đã thực hiện đầu tư là 114.958 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng số tiền đầu tư thực tế trong 6 tháng đầu năm 2024 là 8.582 tỷ đồng, đạt 53,16% so với kế hoạch 2024 được NHNN phê duyệt.
Công tác giám sát được triển khai thực hiện liên tục, thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, chú trọng tăng cường cải tiến nội dung, chất lượng báo cáo giám sát; kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm các tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ rủi ro, gây mất an toàn hệ thống để tham mưu, đề xuất với NHNN xem xét, xử lý. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng thực hiện tốt việc tiếp nhận, theo dõi, xử lý thông tin, số liệu thu nhận được từ NHNN theo quy định tại Thông tư số 34/2016/TT-NHNN và tiếp nhận dữ liệu về tiền gửi được bảo hiểm từ các tổ chức tham gia BHTG theo quy định.
Về tham gia kiểm soát đặc biệt QTDND, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang theo dõi và cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, tham gia quản trị điều hành, đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi đối với một số quỹ tín dụng nhân dân đang được kiểm soát đặc biệt; thực hiện miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho 35 tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt…
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng chú trọng đẩy mạnh truyền thông chính sách. Trong đó, tuyên truyền chính sách BHTG theo hướng tích cực, đa dạng về nội dung, hình thức, mở rộng các kênh truyền thông, tập trung nội dung truyền thông về việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, các chính sách, quy định mới của NHNN có liên quan tới chính sách bảo vệ người gửi tiền; các nội dung mới của Luật Các TCTD (2024), đề xuất chính sách sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; các nội dung về Chiến lược phát triển BHTG.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Phát huy những kết quả đạt được, để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm, cụ thể:
Thứ nhất, thực hiện các hoạt động cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, tính và thu phí BHTG, quản lý và đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đúng quy định của pháp luật, hoàn thành chỉ tiêu được NHNN giao.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện giám sát thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG và đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra định kỳ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN năm 2024. Liên tục theo dõi, phân tích, tổng hợp thông tin nhằm tăng cường khả năng cảnh báo đối với các rủi ro tiền ẩn có thể gây mất an toàn hệ thống các TCTD, góp phần triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.
Thứ ba, tích cực nghiên cứu Luật Các TCTD năm 2024, đề xuất phương án, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ mới của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc tham gia, hỗ trợ, xử lý các tổ chức tham gia BHTG yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt.
Thứ tư, duy trì, thực hiện hiệu quả các nội dung đã ký kết tại Quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN Chi nhánh các tỉnh/thành phố và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhánh các khu vực.
Thứ năm, tiếp tục đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền chính sách BHTG, đảm bảo đưa chính sách BHTG đi vào cuộc sống, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính - ngân hàng và chính sách bảo vệ người gửi tiền của Chính phủ, NHNN.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai kịp thời, toàn diện các nghiệp vụ sát với tình hình thực tế để đạt được kết quả cao nhất, qua đó khẳng định vị thế trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển lành mạnh của hoạt động ngân hàng.