‘Cuộc đua’ lãi suất huy động sẽ chấm dứt đầu năm 2023?

Cuộc đua lãi suất huy động ngày càng “nóng” khi các ngân hàng liên tục cập nhật biểu lãi suất huy động tiền gửi tăng theo từng ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sang năm 2023, đã có một số xu hướng xuất hiện giúp Việt Nam có điều kiện để giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.

Chỉ tính riêng trong tháng 11, ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) đã có 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Hiện lãi suất cao nhất nhà băng này niêm yết là 9,3%/năm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; 6 tháng trở lên ở mức 9%/năm. So với cuối tháng 10, các mức lãi suất này của Techcombank đã tăng tới 1,6 điểm %.

Liên tục cập nhật lãi suất

Không riêng Techcombank, trong tháng 11 VPBank cũng có 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động. So với cuối tháng 10, mặt bằng lãi suất huy động tại nhà băng này đã tăng 0,7 điểm %. Nếu tính từ đầu tháng 10, biểu lãi suất huy động tại nhà băng này đã tăng xấp xỉ 2 điểm %.

Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động phổ biến của kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng hiện đã dao động quanh mức 8-9%/năm và 10-10,5% tại các ngân hàng thương mại cổ phần.

-7800-1670226097.jpg

ACB vừa công bố giảm lãi vay cho khách hàng.

Tình trạng này có thể được giải thích một phần do vòng quay tiền mặt tại các khách hàng doanh nghiệp giảm đi đáng kể cùng với những thách thức trong việc huy động vốn và vay vốn của ngân hàng.

Tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến 7-8% tổng tín dụng bị mắc kẹt, trong khi đó hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế đã dẫn đến dư địa để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực khác không còn dư dả.

Một số công ty chứng khoán dự báo, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành tới 100 điểm cơ bản trong vài tháng tới. Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang kinh doanh trong điều kiện lãi suất so với lạm phát cao nhất thế giới. Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành là "rất dở".

Vị chuyên gia này dẫn chứng, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm khoảng 9%, lạm phát 3% như vậy lãi suất thực là 6%, gấp đôi lạm phát, một số trường hợp gấp 2,5 đến 3 lần lạm phát. "Khi lãi suất thực cao như vậy, đồng nghĩa việc đang xói mòn rất nhanh chóng nền tảng tài chính của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kể cả bất động sản đều gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, vừa lãi suất cao vừa "gánh" áp lực lớn từ tỷ giá hối đoái. Nếu tiếp tục tăng lãi suất, doanh nghiệp nào chịu đựng nổi?", ông Nghĩa nói.

Tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND

Nói về điều hành lãi suất của NHNN thời gian qua, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong bối cảnh hầu hết các nước đều tăng lãi suất, thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh, việc điều hành lãi suất, tỷ giá đã được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng.

Cụ thể, từ cuối tháng 9/2022, NHNN đã quyết định tăng lãi suất điều hành mức tăng 2 lần, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây, đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch nhằm giữ cho VND không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, NHNN đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Theo Phó Thống đốc, mức tăng này là phù hợp với xu hướng của toàn cầu. Trong khi đó, NHTW lớn như Fed đã tăng lãi suất 6 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về mức gấp đôi so với trước dịch. Như vậy lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Thực tế, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các TCTD đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Việc tăng lãi suất giúp TCTD thu hút thêm nguồn vốn, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

"Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền​ tệ", Phó Thống đốc cho hay.

Động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN khiến chi phí đầu vào các ngân hàng thương mại tăng mạnh. Tuy nhiên, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, mặc dù áp lực tăng nhưng nhờ chuyển đổi số giúp cho giá vốn bình quân của ngân hàng giảm một nửa, tiết kiệm chi phí vận hành. Hơn nữa, các ngân hàng cũng gia tăng nguồn huy động Casa trong năm 2022 giúp giảm chi phí đáng kể.

Điển hình tại MB, trong năm nay ngân hàng dự kiến phát triển thêm được 19 triệu khách hàng nâng tổng số khách hàng lên 20 triệu. Như vậy 1 năm làm bằng 27 năm về trước và từ số liệu khách hàng tăng thêm dòng tiền Casa tăng lên giảm chi phí huy động chung của ngân hàng xuống, từ đó tạo điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Các chuyên gia nhận định, sang năm 2023, đã có một số xu hướng xuất hiện cho thấy rủi ro bên ngoài bắt đầu hạ nhiệt như: Fed cân nhắc tăng lãi suất ở mức độ nhẹ; lạm phát tại các nước bớt căng thẳng... Trong nước, lạm phát giữ ở mức mục tiêu; kinh tế vĩ mô ổn định. Vì vậy, Việt Nam có điều kiện để tận dụng cơ hội giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2023.

Gần đây một số ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay như ACB, HDBank, Agribank, Vietcombank để kích cầu tín dụng cuối năm.

Huyền Anh

Lượt xem: 70
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan