Vốn ngoại trở thành 'cứu cánh' cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh thiếu hụt dòng tiền trong nước, dòng vốn ngoại đang nổi lên trở thành "cứu cánh" để các doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động sản xuất, kinh doanh, bổ sung nguồn lực nền tảng cho những kế hoạch trong tương lai.

Nguồn vốn đang là bài toán lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt khi các kênh huy động vốn trong nước như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đều bị gián đoạn.

Giải toả "cơn khát" vốn cho doanh nghiệp

Thị trường vốn trong nước đang gặp nhiều thách thức khi kênh trái phiếu bị tắc nghẽn, kênh tín dụng ngân hàng bị siết chặt hay huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng gặp khó khăn khi thị trường không thuận lợi. Trong bối cảnh đó, dòng vốn ngoại được kỳ vọng là điểm tựa tạm thời giúp nhiều doanh nghiệp thoát cảnh thiếu vốn khi Tết Nguyên đán đang cận kề.

-4835-1672306108.jpg

Tập đoàn Masan vừa thành công được giải ngân khoản vay 600 triệu USD (xấp xỉ 15.000 tỉ đồng) từ hàng loạt định chế tài chính lớn như BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC và Standard Chartered Bank...

Cuối tháng 11, Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) hoàn tất nhận giải ngân gói tín dụng 600 triệu USD (gần 15.000 tỷ đồng) từ 37 bên cho vay. Đây là khoản huy động hợp vốn nước ngoài kỳ hạn 5 năm giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Không chỉ Masan, gần đây nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác cũng nhận được khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế. Chẳng hạn hồi tháng 10 vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCOM: LTG) tiếp cận thành công gói tín dụng 100 triệu USD từ Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cùng với 6 ngân hàng quốc tế; Công ty CP Kinh doanh F88 đã huy động được 70 triệu USD từ nguồn vốn quốc tế; Còn Công ty CP Be Group vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức); CTCP Chứng khoán Bản Việt vay 105 triệu USD từ nhóm ngân hàng nước ngoài.

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cũng “chạy đua” huy động vốn hàng tỷ USD từ các đối tác quốc tế gần đây, qua đó góp phần giải bài toán "đói vốn" đang hiện hữu trong thị trường nội địa. Điển hình là: VPBank, VIB, SeABank…

Đáng chú ý, một hình thức gọi vốn ngoại khác được ngân hàng và các doanh nghiệp hướng đến là phát hành trái phiếu quốc tế. Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã hoàn thành việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư quốc tế và nâng room ngoại từ 18% lên 20%. Đầu năm nay, ngân hàng này cũng được IFC và DEG (Đức) đầu tư 165 triệu USD vào trái phiếu chuyển đổi cấp 2.

Hay Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG), Tập đoàn Vingroup - CTCP (HOSE: VIC) cũng đã huy động được hàng trăm triệu USD từ việc phát hành trái phiếu quốc tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây có lẽ là lần đầu tiên, dòng vốn quốc tế tài trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam "đổ" về nhiều nhất và đa dạng nhất về mục đích cấp vốn. Nếu trước đây chỉ là hoạt động tài trợ vốn để mở rộng danh mục cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nay mở rộng cả về đối tượng cho vay. Theo đó, các doanh nghiệp do nữ làm chủ, các dự án môi trường và chống biến đổi khí hậu... cũng là những đối tượng có thể xem xét được cấp vốn.

Nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt

Vừa “gọi” thành công 75 triệu USD (tương đương hơn 1.800 tỷ đồng), cùng quyền tăng hạn mức vay lên tối đa 200 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài hồi tháng 11, ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc VNDirect, cho biết đây là nguồn lực quan trọng để củng cố nền tảng vốn, mở rộng cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng và qua đó giảm thiểu rủi ro từ thị trường vốn trong nước.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch thường trực Hoàng Quang Phòng cho biết, việc nhiều dòng vốn ngoại liên tục đổ về các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại Việt Nam là tín hiệu rất đáng mừng, chứng thực cho sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với sự tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế trong nước. Bởi, để tiếp cận được nguồn vốn này cũng đòi hỏi việc lựa chọn cùng những tiêu chí khắt khe và không dễ thực hiện.

Còn theo thống kê của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế FiinRatings thời gian qua hơn 2 tỷ USD đã được các doanh nghiệp trong nước thông báo gọi vốn ngoại thành công. Con số này không những chứng tỏ vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam trong mắt các định chế tài chính nước ngoài mà còn giúp họ huy động được nguồn vốn với chi phí cạnh tranh hơn so với vốn trong nước.

"Điều này cho thấy, niềm tin của các tổ chức tài chính nước ngoài vào sự tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam nếu như thông tin và hồ sơ tín dụng rõ ràng... Các khoản vay ngoại tệ cũng đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp", FiinRatings nhận định.

Tuy nhiên, FiinRatings lưu ý với diễn biến tỷ giá hối đoái như hiện nay, chi phí vốn thực tế bằng ngoại tệ (bao gồm lãi suất danh nghĩa, chi phí bảo hiểm tỷ giá, chi phí bảo lãnh và phí giao dịch) có thể dao động ở mức 13-17%/năm tùy theo kỳ hạn.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng dù nguồn vốn quốc tế hiện rất dồi dào nhưng việc vay tín dụng từ nước ngoài không phải vô hạn bởi chịu sự giới hạn trong quy định về quản lý vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Thêm nữa, để huy động dòng vốn ngoại, doanh nghiệp phải có uy tín, năng lực tài chính vững mạnh, số liệu công khai minh bạch, được kiểm toán bởi các tổ chức quốc tế, có phương án sử dụng vốn khả thi.

Thanh Hoa

Lượt xem: 26
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan