Viglacera có quý lỗ đầu tiên, cả năm lãi sau thuế 1.162 tỷ đồng

Quý IV/2023 là quý đầu tiên kể từ khi công bố thông tin, Tổng công ty Viglacera - CTCP (HoSE: VGC) lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế.

Báo cáo tài chính hợp nhất của VGC cho thấy quý IV/2023, doanh thu thuần đạt 3.020 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là doanh thu quý thấp thứ 2 trong vòng 9 quý trở lại đây (chỉ lớn hơn quý I/2023).

Lợi nhuận gộp đạt 565 tỷ đồng, giảm 21%, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 187%.

Trong quý, VGC chịu 89 chi phí tài chính (không có cải thiện so với cùng kỳ), 210 tỷ đồng chi phí bán hàng (chỉ giảm 14%), 16 tỷ đồng lỗ trong công ty liên kết, liên doanh (cùng kỳ lãi 15 tỷ đồng) và đặc biệt là 266 tỷ đồng chi phí quản lý (tăng 44%).

Bởi vậy, công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 11 tỷ đồng (cùng kỳ lãi thuần 233 tỷ đồng), đánh dấu quý lỗ thuần đầu tiên kể từ khi công bố thông tin.

Phải nhờ tới khoản lợi nhuận khác 24 tỷ đồng, VGC mới có lợi nhuận trước thuế 13 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, sau khấu trừ thuế, công ty lỗ 48 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 222 tỷ đồng). Đây là quý lỗ đầu tiên kể từ khi công ty công bố thông tin.

Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của VGC đạt 13.194 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước, song vẫn là doanh thu năm cao thứ 2 lịch sử.

Cơ cấu doanh thu cho thấy sự suy giảm của hầu hết mảng miếng: mảng bất động sản (giảm 90%, đạt 100 tỷ đồng), mảng kính gương (giảm 31%, đạt 2.004 tỷ đồng), mảng sứ, sen vòi và phụ kiện (giảm 15%, đạt 925 tỷ đồng), mảng gạch ngói (giảm 25%, đạt 1.270 tỷ đồng). Duy chỉ mảng gạch ốp lát duy trì được thế đi ngang (chỉ giảm 3%, đạt 3.459 tỷ đồng).

Với doanh thu đi lùi, lợi nhuận gộp cũng giảm 17%, đạt 3.519 ty đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 26,6%.

Trong năm, chi phí tài chính tăng 17%, đạt 381 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý chỉ được tiết giảm 13% và 17%, lần lượt đạt 812 tỷ đồng và 756 tỷ đồng.

Kết quả là VGC chỉ có thể kết thúc năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 1.602 tỷ đồng, giảm 30% so với năm trước.

Lợi nhuận sau thuế đạt 1.162 tỷ đồng, giảm 39% so với năm trước, thấp nhất 3 năm qua.

Năm 2023, VGC đặt mục tiêu doanh thu 13.468 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.216 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 98% mục tiêu doanh thu và 95,5% lợi nhuận.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VGC đạt 24.099 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản ghi nhận sự suy giảm của các khoản phải thu, giảm 8% còn 1.371 tỷ đồng. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đạt 286 tỷ đồng, giảm 11%.

Trong khi đó, hàng tồn kho tăng 12% lên 4.739 tỷ đồng, riêng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là bất động sản – xây dựng đạt 1.537 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho đạt 224 tỷ đồng, tăng 59%.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng 8%, đạt 6.229 tỷ đồng.

Đáng chú ý, VGC có lượng tiền khá lớn, đạt 2.467 tỷ đồng; trong đó tiền và các khoản tương đương tiền đạt 1.841 tỷ đồng, giảm 9%; tiền gửi tại khoản “đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn” đạt 626 tỷ đồng, tăng 4,8%.

Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc năm 2023, nợ phải trả đạt 14.575 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Cơ cấu nợ phải trả ghi nhận nợ vay đạt 5.134 tỷ đồng, tăng 42%. Doanh thu chưa thực hiện đạt 2.670 tỷ đồng, giảm 3% (trong đó doanh thu chưa thực hiện dài hạn là 2.629 tỷ đồng).

Vốn chủ sở hữu của VGC đạt 9.524 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,53 lần.

Năm 2023, dòng tiền kinh doanh của VGC dương 2.702 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư âm 3.764 tỷ đồng, do công ty đẩy mạnh chi mua sắm tài sản. Để cân đối, VGC đã đẩy quy mô dòng tiền vay/trả tăng 39% và 24% so với năm trước, đạt 9.032 tỷ đồng/7.485 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần cả năm âm 180 tỷ đồng.

Lượt xem: 15
Tác giả: Vĩnh Chi