Vì sao người dân doanh nghiệp quay lưng với tien gửi ngoại tệ?

Các giao dịch bằng ngoại tệ của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu sụt giảm do thiếu đơn hàng, cùng với lãi suất huy động USD bằng 0%, duy trì một khoảng cách chênh lệch khá lớn so với lãi suất huy động VND, nên dòng tiết kiệm từ khu vực dân cư và doanh nghiệp sụt giảm tại nhiều ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 28/8/2023, huy động vốn tăng 4,65%, dư nợ tín dụng tăng 5,16% so với cuối năm 2022, riêng tín dụng ngoại tệ tăng 14,24%. Đáng chú ý, huy động VND tăng 6,47%, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 14,39% so với cuối năm 2022.

Tiền gửi ngoại tệ sụt giảm

Khảo sát của VnBusiness tại báo cáo tài chính quý II/2023 của 29 nhà băng có thể thấy, tiền gửi ngoại tệ từ khu vực dân cư và tổ chức kinh tế đang sụt giảm. Theo đó, có đến 24 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm tổng tiền gửi bằng ngoại tệ gồm không kỳ hạn (CASA) và có kỳ hạn, chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dương gồm: Vietinbank, MB, SHB và 1 nhà băng giữ nguyên tổng tiền gửi ngoại tệ so với đầu năm 2023 là TPBank.

-6140-1694597047.jpg

Trong nửa đầu năm có 24 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm tổng tiền gửi bằng ngoại tệ.

Tại Vietcombank, mặc dù là một NHTM Nhà nước lớn có bề dày uy tín thương hiệu, lại thêm thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, nhưng tính đến cuối tháng 6/2023, tiền gửi ngoại tệ của khách hàng tại nhà băng này chỉ 157,35 nghìn tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Vốn huy động bằng ngoại tệ của BIDV cũng vậy khi mà đến cuối tháng 6/2023, nguồn tiền gửi bằng ngoại tệ của khách hàng cũng chỉ đạt 95.385 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Còn tại Agribank tổng nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ cũng giảm 15% còn 12.066 tỷ đồng. 

Trong số 4 ngân hàng có vốn nhà nước, chỉ duy nhất Vietinbank ghi nhận sự tăng trưởng nguồn tiền gửi bằng ngoại tệ trong nửa đầu năm nay lên mức 73.300 tỷ đồng (tăng 7%).

Tuy nhiên, ba “ông lớn” ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước chưa phải là những nhà băng có tỷ lệ sụt giảm nguồn tiền gửi ngoại tệ lớn nhất.

Trong số 29 ngân hàng khảo sát, LPBank ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất lên đến 83%, theo đó tính đến cuối tháng 6/2023 nguồn tiền gửi ngoại tệ của khách hàng tại ngân hàng này chỉ còn 578 tỷ đồng. Tiếp đến là HDBank ghi nhận mức sụt giảm 53% so với đầu năm khiến nguồn tiền gửi ngoại tệ của khách hàng tại ngân hàng này chỉ còn 1.166 tỷ đồng. Kienlongbank ghi nhận mức sụt giảm 52% còn 51 tỷ đồng; VPBank cũng chứng kiến sự sụt giảm đến 40% còn 3.018 tỷ đồng; VietBank giảm 37% về mức 491 tỷ đồng; SeABank giảm 34% còn 1.022 tỷ đồng; MSB giảm 31% còn 6.030 tỷ đồng.

Một số ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm dưới 30% bao gồm: Saigonbank (28%), NCB (22%), PGBank (26%), BacABank (26%), VietABank (23%), BaoVietBank (19%), BVBank (18%)…

Theo một chuyên gia ngân hàng, diễn biến nói trên là hoàn toàn hợp lý do tình hình đơn hàng giảm sút trong 6 tháng đầu năm, nên các giao dịch bằng ngoại tệ của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm sút.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%.

Bên cạnh đó, dòng vốn vẫn đang có xu hướng dịch chuyển từ ngoại tệ sang VND, bởi thị trường ngoại hối những tháng đầu năm nay khá ổn định. Trong khi đó, giai đoạn quý IV/2022 - quý I/2023, mặt bằng lãi suất huy động VND được neo ở mức khá cao, cao nhất lên tới 9,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với các kỳ hạn dưới 6 tháng khoảng 6%/năm, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất lên tới 8,85%/năm; 9 tháng cao nhất là 8,90%/năm.

Còn lãi suất huy động USD từ lâu đã được giảm về còn 0%, hoặc rất thấp (bằng ngoại tệ khác). Với mức chênh lệch lớn như vậy, không ít cá nhân và tổ chức đã chuyển đổi các đồng ngoại tệ thành tiền Việt để tham gia gửi tiết kiệm để hưởng lợi.

Chưa thể tăng trong cuối năm?

Các ngân hàng tăng cường huy động vốn bằng ngoại tệ sẽ mang lại lợi ích trong việc phát triển các mục tiêu kinh doanh cho tương lai, như các hoạt động mua bán ngoại tệ khi mà nhu cầu thanh toán của của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm xuất khẩu ngày càng tăng lên theo sự mở rộng hoạt động giao thương của Việt Nam trước các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Với nguồn vốn ngoại tệ huy động được, các ngân hàng hoặc sử dụng để cho vay hay mua bán ngoại tệ với lãi suất dĩ nhiên cao hơn chi phí đầu vào, hoặc chuyển sang tiền đồng để cho vay với lãi suất cao hơn 3-4% so với cho vay ngoại tệ. Với biên độ lãi suất lớn như vậy, dù rủi ro tỷ giá có xảy ra thì lợi nhuận từ việc cho vay bằng tiền đồng với chênh lệch lãi suất cao như vậy cũng đủ để bù đắp những thiệt hại về tỷ giá nếu có.

Tuy nhiên, hiện VND đang chịu áp lực giảm giá rất lớn từ sự tăng giá của đồng USD và lao dốc của đồng Nhân dân tệ (CNY), Trung Quốc đã giảm lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2020. Trong bối cảnh đó, không loại trừ trường hợp nhu cầu nắm giữ ngoại tệ sẽ tăng, khiến việc huy động ngoại tệ của các ngân hàng trong những tháng cuối năm vẫn còn khó khăn.

Một chuyên gia phân tích, hiện nay chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng vốn đang ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%, điều này đã khuyến khích người dân và doanh nghiệp nắm giữ USD. “Tâm lý giữ ngoại tệ thường có xu hướng tăng trong bối cảnh thị trường ngoại hối, tỷ giá biến động mạnh”, vị chuyên gia cảnh báo.

Trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: cung cầu ngoại tệ thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt của cơ quan này là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, đại diện NHNN cho hay.

Huyền Anh

Lượt xem: 6
Tác giả: Tiền gửi ngoại tệ sụt giảm
Tin liên quan