Vì sao doanh nghiệp vật liệu xây dựng vẫn chưa thoát ‘vũng lầy’?

Trong báo cáo tài chính quý 3/2023 được công bố mới đây của một số doanh nghiệp trong hai lĩnh vực chủ lực ở ngành vật liệu xây dựng là xi măng và thép cho thấy, vẫn chưa thể thoát “vũng lầy” thua lỗ, sụt giảm doanh thu và lợi nhuận. Vì sao lại như vậy ? 

Trong giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hôm 16/10, CTCP Xi măng La Hiên VVMI (CLH) cho biết, lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2023 đạt hơn 8,9 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục đối mặt cơn suy giảm

Lý giải nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận, theo ông Trần Quang Khải, Giám đốc của CLH, trong 9 tháng đầu năm 2023 do ảnh hưởng của suy thoái thị trường, thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu xi măng suy giảm nên sản lượng tiêu thụ giảm, đặc biệt giá bán sản phẩm cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. 

-6927-1697540443.png

Các DN ngành thép vẫn đang vẫy vùng để mong thoát khỏi “vũng lầy” sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.

Báo cáo tài chính quý 3/2023 của CLH cho thấy, doanh thu thuần đạt gần 145 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt gần 460 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 30 tỷ đồng, giảm 26%.

Trong khi đó, tệ hơn cả công ty nêu trên, kết quả kinh doanh quý 3/2023 vừa công bố của CTCP Vicem Thạch cao Xi măng (TXM) cho thấy không được khả quan với lợi nhuận sau thuế âm 753 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng, TXM lỗ ròng gần 4 tỷ đồng, với doanh thu thuần đạt 82 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.

Còn với CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (HT1), theo nhận định trong tháng 10/2023 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, dự phóng sản lượng của HT1 trong năm tài chính 2023 đạt 5,8 triệu tấn (giảm 12% so với năm trước). Lợi nhuận ròng dự phóng cho năm 2023 đạt 89 tỷ (giảm 58%).

Có thể thấy, khi thị trường bất động sản chưa thật sự hồi phục đã tác động lớn đến ngành vật liệu xây dựng, như trường hợp của các doanh nghiệp (DN) trong mảng sản xuất xi măng như trên. 

Bên cạnh đó, theo giới phân tích, ngành xi măng trong nước dư cung gấp hai lần nhu cầu. Nhất là trong bối cảnh nhu cầu suy giảm thì các công ty xi măng phía Bắc (vốn tập trung nhiều các nhà máy xi măng) được cho là có mức giảm nhiều hơn so với các công ty ở phía Nam. Tình trạng dư cung này diễn ra khi hàng loạt các dự án lớn ở phía Bắc tiếp tục đi vào vận hành như Xi măng Xuân Sơn (công suất 2.3 triệu tấn/năm), xi măng Fico giai đoạn 2 (công suất 1.5 triệu tấn/năm).

Cho nên, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, những công ty xi măng nội địa nào có thương hiệu mạnh và có chất lượng tốt hơn mới có thể duy trì mức sản lượng tốt hơn các công ty trong ngành.

Còn ở ngành thép (một mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực vật liệu xây dựng), trong báo cáo tài chính quý 3/2023 mới công bố của CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) đã ghi nhận quý lỗ thứ 5 liên tiếp. Theo đó, quý 3/2023, Tisco ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.400 tỷ đồng và lãi gộp 34 tỷ đồng, giảm tương ứng 7% và 24% so với cùng kỳ. 

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, Tisco ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.790 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Kết quả lũy kế 9 tháng đầu năm, Gang thép Thái Nguyên báo lỗ 194 tỷ đồng.

Vẫy vùng giữa “vũng lầy”

Giải trình về tình trạng sụt giảm lợi nhuận, Tisco cho rằng thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào cao. 

Trong khi đó, báo cáo tài chính quý 3/2023 của CTCP Thép Vicasa – Vnsteel ghi nhận doanh thu thuần gần 390 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, DN ghi nhận doanh thu thuần 1.254 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế là 3,5 tỷ đồng. Với kết quả này, DN mới hoàn thành được 37% kế hoạch lãi trước thuế đề ra cho cả năm nay.

Không khá gì hơn, CTCP Thép Thủ Đức - VNSteel vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 cho thấy doanh thu thuần gần 327 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty lãi gộp gần 10 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ gộp gần 21 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thép Thủ Đức đạt 898 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng, so với cùng kỳ thua lỗ 16 tỷ đồng.

Xét về tình hình tiêu thụ thép xây dựng, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 9/2023, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 876.043 tấn, giảm lần lượt so với tháng trước là 6% và giảm 20% so với tháng 9/2022. Bán hàng đạt 958.560 tấn, tăng 9% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 7,722 triệu tấn, giảm 21,6% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng đạt 7,738 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 344.676 tấn, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong báo cáo ngành thép vào tháng 10/2023, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KIS Việt Nam duy trì đánh giá “trung lập” đối với ngành thép Việt Nam do sản lượng bán ra không tăng trưởng, điều này có thể tiếp tục cản trở doanh thu của thị trường trong những tháng tới. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế ảm đạm có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Cần lưu ý thêm, việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ của các DN trong ngành xi măng, thép nói riêng và lĩnh vực vật liệu xây dựng nói chung còn đến từ khó khăn của các DN ở ngành xây dựng. Như đánh giá vào cuối tháng 9/2023 từ Tổng cục Thống kê cho thấy, có hai yếu tố thường ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN xây dựng là “không có hợp đồng xây dựng mới” và “giá nguyên vật liệu tăng cao”. 

Qua thăm dò mới đây về xu hướng kinh doanh trong ngành xây dựng của Tổng cục Thống kê, có 48,9% DN cho rằng “không có hợp đồng xây dựng mới” là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN trong quý 3/2023, dự báo quý 4/2023 tỷ lệ này giảm còn 47,0%. Tương tự, có 48,7% DN nhận định “giá nguyên vật liệu tăng cao” là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của họ trong quý 3/2023, dự báo quý 4/2023 tỷ lệ này giảm còn 48,3%.

Nhìn chung, một khi đa phần DN ngành xây dựng vẫn còn gặp khó về hợp đồng xây dựng mới và băn khoăn về giá nguyên vật liệu tăng cao thì việc vẫy vùng giữa “vũng lầy” khó khăn của các DN ở lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ còn đầy thách thức phía trước.

                                                                                          Thế Vinh

Lượt xem: 5
Tác giả: Tiếp
Tin liên quan