VCCI: Doanh nghiệp dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng các ưu đãi FTA

VCCI dự báo tình hình thị trường xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong năm 2023. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phải tận dụng lợi thế từ FTA, đồng thời cần chính sách hỗ trợ kịp thời, thực chất để cả nền kinh tế “vượt sóng lớn” và tiếp tục phát triển trong năm 2023.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5: “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, tham luận tại Hội thảo chuyên đề 1 được tổ chức với chủ đề “Kiến tạo không gian phát tiển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào sáng nay (17/12/2022), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra nhận định, với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, việc tham gia các Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới có tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

-3489-1671251832.png

Phần lớn dòng chảy thương mại hàng hóa của Việt Nam là với các đối tác FTA.

Cụ thể, theo kết quả Khảo sát năm 2022 của VCCI, có 54% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết các FTA đã mang đến tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian qua (lớn hơn so với mức 46% trong Khảo sát 2020), và chỉ 1% doanh nghiệp cho biết đã chịu các tác động bất lợi từ các FTA liên quan tới các cam kết FTA (Khảo sát năm 2020 là 3,2%).

Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường đối tác FTA đạt 480 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2020 và chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới. Trong đó, xuất khẩu đạt 212,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2020, chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu; nhập khẩu đạt 267,2 tỷ USD, tăng 26,7%, chiếm 80% kim ngạch nhập khẩu.

Cũng theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 700 tỷ USD.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đưa ra nhận định: “Có thể nói, phần lớn dòng chảy thương mại hàng hóa của Việt Nam là với các đối tác FTA và thương mại với các thị trường này là một trong các động lực lớn cho tăng trưởng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nước ta”.

Mặc dù các kết quả thực thi FTA từ góc độ sản xuất xuất khẩu là rất tích cực, tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được các FTA như kỳ vọng.

Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong hai năm 2020-2021, tăng trưởng xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA là 10,3%/năm, thấp hơn so với mức 13%/năm tăng trưởng trung bình của xuất khẩu đi toàn thế giới.

Về tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021) và diễn tiến không ổn định với từng Hiệp định.

“Điều này cho thấy, các doanh nghiệp dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng các ưu đãi”, bà Trang khẳng định.

Dự báo của các tổ chức quốc tế đều cho rằng, tình hình thị trường đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất lợi trong quý IV/2022 và được dự kiến sẽ khó khăn hơn trong năm 2023, thậm chí có thể tiếp tục phức tạp trong thời gian dài hơn.

Đơn cử như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm 2023 đều giảm so với 2022 và giảm sâu so với năm 2021 (riêng khu vực đồng Euro dự kiến giảm sâu từ 3,1% năm 2022 xuống 0,5% năm 2023, thậm chí là tăng trưởng âm ở các thị trường bạn hàng lớn của Việt Nam ở EU như Đức, Ý…).

Còn dự báo của WTO về tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường lớn cũng theo chiều hướng tương tự (Bắc Mỹ năm 2023 dự kiến chỉ tăng 0,8% so với mức tăng 8,5% năm 2022 và 12,3% năm 2021; EU thậm chí là -0,7%, trong khi năm 2022 tăng 5,4% và năm 2021 tăng 8,3%).

Thu nhập giảm, cầu tiêu dùng yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm được dự báo trong năm 2023 chắc chắn sẽ khiến quy mô thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh gia tăng giữa hàng hóa từ Việt Nam và từ các đối thủ cạnh tranh khác, thậm chí với các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường này, đặc biệt là cạnh tranh về giá.

Trong những ngày gần đây, tình hình thị trường có một vài tín hiệu lạc quan hơn, như Trung Quốc đã nới lỏng đáng kể chính sách ứng phó COVID khiến các nguy cơ về chuỗi cung bớt căng thẳng; EU dường như đã vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất về năng lượng, lạm phát.

Trong bối cảnh như vậy, để tận dụng các lợi thế từ FTA, bà Trang cho rằng, trước mắt cần chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam thiết kế riêng cho từng thị trường (ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ); xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho doanh nghiệp; thiết lập các đầu mối thông tin thị trường (bản tin thị trường, định kỳ cập nhật tình hình thị trường như cung, cầu, các điều chỉnh chính sách…) đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam…

Về giải pháp dài hạn, VCCI kiến nghị, nghiên cứu khả thi và xúc tiến việc đàm phán các FTA mới, ở dạng thức thích hợp (song phương, đa phương/khu vực) với một số thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam, ví dụ: Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi.

Đồng thời, thiết lập Chương trình đánh giá định kỳ hàng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện, qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA.

VCCI hy vọng "Với các biện pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, thực chất của các cơ quan quản lý, và nỗ lực của từng doanh nghiệp, xuất nhập khẩu nói riêng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ có đủ niềm tin và động lực để vượt sóng lớn và tiếp tục phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo".

Thanh Hoa

Lượt xem: 5