Trở lại đường băng, cổ phiếu MWG có thể sớm ‘cất cánh’?

Hưởng lợi từ việc kích cầu tiêu dùng, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động đang dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh - yếu tố tiên quyết để hỗ trợ cho giá cổ phiếu lại vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khả quan, dù rằng doanh nghiệp đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm cứu vãn tình hình.

Theo quan sát, sau khi trôi về vùng đáy 30 tháng và giao dịch loanh quanh vùng đáy dài hạn này, cổ phiếu MWG đã phát ra những tín hiệu "trở lại đường băng" từ cuối tháng 5 vừa qua.

Phát tín hiệu "trở lại đường băng"

Tuy nhiên, với mức tăng 13% trong một tháng mới chỉ được coi như “nhón một chân” vào "đường băng", bởi lẽ mức tăng này vẫn chưa thấm vào đâu so với mức giảm đến hơn 50% từ đỉnh. Đồng thời, vốn hóa của Thế giới Di động tương ứng ở mức 62.700 tỷ đồng vẫn còn cách xa so với thời đỉnh cao từng lọt vào câu lạc bộ 100.000 tỷ.

-2181-1687776249.jpg

Tình hình kinh doanh của Thế giới Di động vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khả quan, dù rằng doanh nghiệp đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm cứu vãn tình hình. (Ảnh: Int)

Nhìn chung, việc thị giá cổ phiếu MWG giảm về mức khá sâu đã giúp tạo nên sức hút với nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chung đang diễn biến hết sức thuận lợi, dự báo đà tăng còn tiếp tục kéo dài.

Bên cạnh đó, một vài tín hiệu tích cực đã xuất hiện cũng là “đòn bẩy” cho giá cổ phiếu MWG hồi phục trở lại. Đó là việc hưởng lợi từ kích cầu tiêu dùng.

Nhìn lại năm 2022, ngành bán lẻ nói chung và bán lẻ không thiết yếu nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và sự sụt giảm lớn về nhu cầu tiêu dùng vẫn kéo dài tới đầu năm 2023. Tuy nhiên, với việc kiểm soát chi phí doanh nghiệp và kỳ vọng vào các chính sách kích cầu sắp tới từ Chính phủ, ngành bán lẻ được dự báo sẽ có triển vọng tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023.

“Những gì tồi tệ nhất của ngành bán lẻ đã qua và kỳ vọng càng về cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn”, Chứng khoán DSC nhận định.

DSC chỉ ra những yếu tố hỗ trợ cho kỳ vọng này là chính sách tiền tệ đang trong giai đoạn mở rộng khi Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành tới 4 lần kể từ tháng 3/2023 tới nay, định hướng cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động, đặc biệt là lãi suất cho vay. Đây là chìa khóa giúp dòng vốn được lưu thông mạnh hơn trong nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có điều kiện để mở rộng sản xuất - kinh doanh và chi tiêu.

Bên cạnh đó, chìa khóa để kích cầu tiêu dùng trong nước là chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%.

Mặt khác, các doanh nghiệp ngành bán lẻ nói chung và Thế giới Di động nói riêng cũng đã và đang có những chiến lược thích ứng với tình hình kinh tế khi sử dụng mô hình kinh doanh nhẹ vốn, giảm bớt chi phí cố định để cải thiện lợi nhuận…

Thực tế, “đại gia” ngành bán lẻ này đã đẩy mạnh chiến lược cạnh tranh về giá, điển hình là tung chiến lược quảng cáo với thông điệp “Giá rẻ quá” nhằm thu hút khách hàng với các sản phẩm công nghệ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp không còn đề cập đến việc mở rộng chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh trong năm 2023.

Không chỉ vậy, Thế giới Di động còn đang phát đi nhiều tín hiệu tiết giảm chi phí khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động như cắt giảm số lượng nhân viên, dừng phát hành cổ phiếu ESOP…

Doanh thu vẫn… tiếp tục suy giảm

Mặc dù thực hiện nhiều giải pháp, song thực tế cho thấy chặng đường phía trước của Thế giới Di động vẫn còn “mịt mờ” khi mà kết quả kinh doanh vẫn không được như kỳ vọng.

Mới đây, Thế giới Di động đã có báo cáo kết quả kinh doanh tháng 5 với doanh thu thuần đạt 10.297 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, doanh thu của chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh chỉ đạt 7.600 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng 4 và giảm 14% so với cùng kỳ, trái với kỳ vọng của lãnh đạo dự đoán sẽ tăng ít nhất 20% so với tháng 4. Đặc biệt, tháng 5 là tháng mà Điện Máy Xanh đáng lẽ được hưởng lợi từ đợt nắng nóng, đồng thời cũng là tháng diễn ra cao điểm chương trình "Giá rẻ quá" mà Thế giới Di động khởi xướng (từ ngày 28/4). Tính chung 5 tháng, tổng doanh thu của hai chuỗi đạt 35.000 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.

Điều đáng nói, dù công bố doanh thu nhưng Thế giới Di động vẫn tiếp tục "giấu" chỉ tiêu lợi nhuận tháng 5. Kể từ đầu năm 2023, doanh nghiệp này đã không còn công bố chỉ tiêu lợi nhuận theo tháng, trong khi các năm trước đó đều công bố kèm doanh thu.

Giới phân tích nhìn nhận, việc Thế giới Di động đang giảm giá hàng loạt sản phẩm, thậm chí có sản phẩm giảm nhiều hơn mức giảm của các đơn vị khác thì lợi nhuận rất khó tăng trưởng. Thực tế, kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy, với những động thái giảm giá để kích cầu, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm tới 98,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết (năm 2014) dù doanh thu chỉ giảm gần 26%, đạt 27.106 tỷ đồng.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự đoán lợi nhuận ròng năm 2023 của Thế giới Di động sẽ chỉ còn 1.231 tỷ đồng, giảm tới 80% so với thực hiện trong năm 2022. Trong đó, chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ tiếp tục lỗ thêm khoảng 1.074 tỷ đồng.

Nhìn chung, chiến lược của Thế giới Di động để đối phó với tình trạng kinh doanh lao dốc gần đây vẫn cần thời gian để chứng minh hiệu quả, song thực tế những gì doanh nghiệp đạt được vẫn cho thấy chặng đường phía trước của “đại gia” ngành bán lẻ này còn nhiều chông gai. Và dĩ nhiên áp lực này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đà tăng giá của cổ phiếu MWG.

Chưa kể, việc sa thải, cắt giảm chính sách phúc lợi cho nhân viên vô hình trung sẽ tạo ra những hình ảnh ngày càng xấu đi cho doanh nghiệp trên thị trường lao động trong tương lai, gây ảnh hưởng đến “thương hiệu” của Thế giới Di động.

Hải Giang

Lượt xem: 6
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan