Tiêu chí ESG từ phía buy-side: Cẩm nang để doanh nghiệp thu hút vốn ngoại
ESG (Environment - Social - Governance: Môi trường, Xã hội và Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường tác động của doanh nghiệp đối với môi trường, xã hội cũng như mức độ minh bạch và trách nhiệm của doanh nghiệp.
Xu hướng tăng cường đầu tư tập trung vào phát triển bền vững của những nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng và thường xuyên nâng cao chất lượng quản trị công ty, trong đó có quản trị tốt các vấn đề môi trường, xã hội và bảo vệ lợi ích của các bên hữu quan.
Bộ tiêu chuẩn ESG đã trở thành một khái niệm phổ biến và không có gì ngạc nhiên khi dần trở thành yếu tố ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Các chủ doanh nghiệp đang tích cực đầu tư và ứng dụng ESG vào hoạt động kinh doanh nhằm thu hút vốn trong và ngoài nước.
Nhà đầu tư ngoại chú trọng thẩm định ESG
ESG khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm hơn; thu hút vốn đầu tư từ những nhà đầu tư; tạo ra giá trị bền vững cho nhà đầu tư và xã hội. Hiện tại, xu hướng ESG đang tác động tích cực đến thị trường tài chính thế giới.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Giám đốc Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi thẩm định doanh nghiệp còn thuê đơn vị thứ ba để thẩm định và đánh giá độc lập về mức độ tuân thủ các yếu tố ESG của doanh nghiệp, ngoài các thẩm định về tài chính và luật như thông lệ.
Vì vậy, doanh nghiệp quản lý, thực hiện và tuân thủ tốt các tiêu chí ESG sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn và có thể có chi phí huy động vốn thấp hơn hoặc nhận được định giá cao hơn từ nhà đầu tư.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, quản trị ESG là lĩnh vực mới mẻ với hầu hết doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Theo Báo cáo đánh giá Quản trị Công ty của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam năm 2023, trong số 511 doanh nghiệp niêm yết được lựa chọn để đánh giá trong năm 2023, chỉ có 50 doanh nghiệp (10%) có lập và công bố Báo cáo phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận và chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp đạt được các tiêu chí phát triển bền vững trong bộ câu hỏi VCGS 2023.
Bổ sung thêm, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho biết, yếu tố ESG được các quỹ đầu tư quốc tế dành nhiều sự quan tâm mỗi khi đánh giá về một doanh nghiệp trước khi đầu tư. Điều này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp có nhu cầu IPO, tìm kiếm cổ đông chiến lược hoặc muốn đa dạng hóa cơ cấu cổ đông trước khi trở thành công ty đại chúng và niêm yết phải chú trọng nhiều hơn về định hướng kinh doanh gắn với các tiêu chí ESG.
Doanh nghiệp quản lý, thực hiện và tuân thủ tốt các tiêu chí ESG sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn và có thể có chi phí huy động vốn thấp hơn hoặc nhận được định giá cao hơn từ nhà đầu tư. Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp cần làm gì để thu hút vốn ngoại
ESG không chỉ là một xu hướng mà còn là yếu tố quyết định cho sự thành công và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai. Để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, doanh nghiệp phải tích hợp các cân nhắc về ESG vào chiến lược kinh doanh. Cùng với đó, doanh nghiệp cần nhấn mạnh cho nhà đầu tư thấy công ty của mình đang được quản trị tốt và minh bạch.
Bà Hoàng Hải Yến - Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Đầu tư, Công ty chứng khoán SSI khuyến nghị doanh nghiệp cần có chiến lược ưu tiên để thu hút vốn đầu tư thông qua ESG.
Đầu tiên là hoàn thiện báo cáo ESG. Để thu hút các quỹ đầu tư quốc tế, doanh nghiệp cần phát triển và công bố các báo cáo ESG chi tiết, minh bạch, theo các chuẩn mực quốc tế như GRI (Global Reporting Initiative) hay SASB (Sustainability Accounting Standards Board). Báo cáo này cần làm rõ các biện pháp mà doanh nghiệp đang thực hiện để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đóng góp vào cộng đồng và nâng cao chất lượng quản trị.
Doanh nghiệp nên tập trung phát triển các dự án có tính bền vững cao, chẳng hạn như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm lượng phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên nước. Các dự án này không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh mà còn thu hút được sự quan tâm của các quỹ đầu tư có định hướng ESG.
Cuối cùng là cải thiện quản trị doanh nghiệp. Yếu tố "G" trong ESG (Quản trị) là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với nhà đầu tư. Doanh nghiệp cần đảm bảo các cơ cấu quản trị của mình, bao gồm ban lãnh đạo và hội đồng quản trị, đều tuân thủ các nguyên tắc quản trị tốt nhất, minh bạch và có trách nhiệm.
Ông Đinh Quang Thuần - Giám đốc Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, HOSE: FTS) chi nhánh TPHCM chia sẻ, hiện nay, các cơ quan quản lý đang có nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi. Một trong những mục đích của việc nâng hạng là nhằm mở ra cánh cửa để vốn nước ngoài chảy vào, nhưng vấn đề là làm sao các doanh nghiệp có cơ hội lọt vào “mắt xanh” của những nhà đầu tư, quỹ đầu tư lớn, tiềm lực tài chính cao này.
Câu trả lời đó là các doanh nghiệp có nền tảng quản trị minh bạch, chiến lược quản trị gắn với giảm thiểu các tác động đến môi trường và kiến tạo giá trị xã hội. Nói cách khác, đó là quản trị doanh nghiệp gắn với ESG - yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đánh giá cao.
FPTS nhận thấy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi từ nhận thức đến những hành động cụ thể trong việc phát triển ESG.
Thứ nhất, lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức rõ hơn tính cấp bách, vai trò của việc nâng cao chất lượng quản trị minh bạch gắn với ESG như yếu tố bắt buộc. ESG không phải trào lưu hình thức mà là xu thế tất yếu phải thực hiện trong thời gian tới.
Tăng trưởng kinh doanh là bao nhiêu. Đó là mục tiêu quan trọng. Nhưng việc quản trị bền vững mới là mục tiêu sống còn. Không nên chờ đến khi đứng trước nguy cơ đổ vỡ, các chủ doanh nghiệp mới thay đổi tư duy về ESG. Đặc biệt, cần coi quản trị là nguồn lực để tồn tại, năng lực để cạnh tranh, yếu tố để hút vốn.
Thứ hai, doanh nghiệp cần phải lập ra các kế hoạch hành động cụ thể và rõ ràng trong việc nâng cao chất lượng quản trị minh bạch gắn với ESG. Doanh nghiệp cần có thành viên HĐQT chuyên trách để có thể xây dựng kế hoạch, theo dõi chặt chẽ và đảm bảo luôn kiểm soát được quá trình triển khai ESG phù hợp nhất với điều kiện thực tế.
Nói tóm lại, chỉ có một nhận thức đầy đủ và đúng đắn, đi kèm với những hành động cụ thể, quyết liệt thì các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể nâng cao chất lượng quản trị minh bạch gắn với ESG và chắc chắn sẽ trở thành sự lựa chọn mà nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp hướng đến.
Bên cạnh việc coi trọng ESG, yếu tố thông tin cũng đóng vai trò quan trọng để thu hút dòng vốn ngoại. Ông Kim Thiên Quang - Tổng Giám đốc Chứng khoán Maybank Việt Nam đánh giá, đối với bên mua (buy-side), minh bạch thông tin là một trong những yếu tố tiên quyết trong quá trình ra quyết định đầu tư. Sự minh bạch không chỉ liên quan đến việc cung cấp thông tin tài chính chính xác và đầy đủ mà còn bao gồm cả việc công bố các hoạt động quản trị, chiến lược phát triển lẫn các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị (ESG) của doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư ngày nay yêu cầu một cấp độ minh bạch cao hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngày càng phức tạp và nhạy cảm. Họ đòi hỏi doanh nghiệp phải công khai rõ ràng về các rủi ro tiềm ẩn, chiến lược quản lý rủi ro và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính trong dài hạn. Việc thiếu minh bạch hoặc không công khai đầy đủ thông tin có thể dẫn đến sự mất lòng tin và giảm cơ hội huy động vốn từ các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.