Tasco lập công ty hơn ngàn tỷ để quản lý các doanh nghiệp dự án BOT
Trong chiến lược tái cấu trúc các dự án BOT, Tasco đã thành lập Tasco BOT để thực hiện tiếp nhận và quản lý vận hành các dự án BOT hiện có.
Theo chiến lược tái cấu trúc các dự án BOT, ngày 19/04/2023, HĐQT CTCP Tasco (HNX: HUT) đã thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Tasco BOT với tỷ lệ thông qua tuyệt đối. Đến ngày 02/06/2023, Tasco BOT chính thức được thành lập.
HUT kỳ vọng đơn vị thành viên mới thành lập này sẽ tiếp nhận và quản lý vận hành các dự án BOT hiện có để quản lý tập trung lĩnh vực BOT, hỗ trợ giải pháp tái cấu trúc tài chính tổng thể các dự án BOT.
Tasco BOT do HUT làm chủ sở hữu với vốn điều lệ ban đầu gần 1,158 tỷ đồng, trên cơ sở góp vốn bằng phần vốn góp/cổ phần thuộc sở hữu của HUT tại 5 doanh nghiệp dự án gồm Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng (395.6 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Tasco Quảng Bình (328.1 tỷ đồng), CTCP Tasco Nam Thái (299.9 tỷ đồng), Công ty TNHH BOT Hùng Thắng – Phú Thọ (69 tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV Tasco 6 (65.2 tỷ đồng).
Danh sách các công ty góp vốn vào Tasco BOT Nguồn: Tổng hợp |
Tasco BOT hoạt động lĩnh vực hạ tầng giao thông, trụ sở đặt tại tầng 20, tòa nhà Tasco, lô HH 2-2, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội – cùng tòa nhà với HUT. Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Phạm Đức Minh, hiện đang là Phó Tổng Giám đốc HUT.
Theo tìm hiểu, Ông Phạm Đức Minh, sinh năm 1977. Theo thông tin tính đến 30/06/2023, ông Minh đang đảm nhiệm các chức vụ Phó Tổng Giám đốc HUT, Tổng Giám đốc Tasco BOT, Giám đốc Tasco Hải Phòng và Tasco Quảng Bình. Ông Minh hiện cũng đang sở hữu 30,000 cp HUT.
Trước khi gia nhập HUT, ông đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cầu đường và trực tiếp tham gia chỉ huy, thi công nhiều công trình lớn tại nhiều tỉnh thành Việt Nam.
HUT hiện đang vận hành 6 dự án BOT bao gồm BOT Hải Phòng tại tỉnh TP. Hải Phòng, BOT 39 và BOT Đông Hưng tại tỉnh Thái Bình, BOT Mỹ Lộc (BOT 21) tại tỉnh Nam Định và BOT Quảng Bình tại tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra còn các dự án BT khác.
Tình hình kinh doanh của hoạt động thu phí (bao gồm doanh thu BOT và BOO) những năm gần đây ghi nhận tăng trưởng, đột biến vào năm 2022 tăng hơn 40%, đạt 914.7 tỷ đồng, chiếm 85% trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn. Nhờ doanh thu BOT tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bên cạnh chính sách của Chính phủ về triển khai thu phí tự động không dừng bắt buộc trên toàn quốc kể từ ngày 01/08/2022 đã đóng góp thêm phần doanh thu dán thẻ E-tag.
9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thu phí tiếp tục tăng 24% so với cùng kỳ lên 795.7 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp vào doanh thu của tập đoàn chỉ còn 25%, do HUT bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty TNHH SVC Holdings, giúp HUT thu về gần 2,127 trong quý 3 năm nay, đóng góp 67% vào doanh thu tập đoàn.
Kết quả kinh doanh của HUT giai đoạn 2018 - 9T2023 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Mặt khác, Công ty TNHH SVC Holdings chính thức trở thành công ty con của HUT từ ngày 15/09/2023, sau khi HUT hoàn tất phát hành 543.9 triệu cp, tương ứng tổng gái trị phát hành gần 5,439 tỷ đồng, tỷ lệ hoán đổi 1:1, tương đương 1 cổ phần SVC Holdings được hoán đổi 1 cổ phần HUT. Theo đó doanh thu của HUT trên báo cáo tài chính hợp nhất cũng nghiễm nhiên ghi nhận thêm mảng hoạt động kinh doanh xe ô tô của SVC Holdings.
Biên lãi gộp của hoạt động thu phí dần cải thiện trong những năm gần đây, chính thức quay trở lại mức trên 40% so với giai đoạn trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Biên lãi gộp của hoạt động này cũng cao hơn so với biên lãi gộp chung của tập đoàn và đặc biệt chênh lệch sau khi tỷ trọng đóng góp lớn hơn từ hoạt động kinh doanh ô tô vốn có biên lãi gộp thấp, chỉ khoảng 6% trong 9 tháng đầu năm.
Biên lãi gộp của hoạt động thu phí giai đoạn 2018 - 9T2023 Nguồn: VietstockFinance |