Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bồi đắp năng lực cho doanh nghiệp
Theo dự báo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 dự kiến tăng 2% so với năm 2023, đạt khoảng 162,5 nghìn doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2024, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bồi đắp năng lực cho doanh nghiệp.
Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tăng trưởng thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến khó lường, cùng với đó là áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh sẽ tác động đến xu hướng phục hồi của doanh nghiệp trong năm 2024.
Về tình hình trong nước, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế nội tại đã kéo dài nhiều năm. Diễn biến trên thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 dự kiến tăng 2% so với năm 2023, đạt khoảng 162,5 nghìn doanh nghiệp.
Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trên cơ sở tình hình năm 2023 giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh điều chỉnh ước thực hiện năm 2024 từ 74 nghìn doanh nghiệp xuống còn khoảng 68 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự kiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 sẽ vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên mức tăng này kỳ vọng sẽ hạ nhiệt đáng kể so với giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, con số này sẽ tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương hơn 178 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2024, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Song song với đó, thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương lưu ý, cần tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi...
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng đầu năm 2024 đạt 27.335 doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng đầu tiên của năm cao nhất từ trước đến nay, gấp 1,3 lần so với bình quân doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1 giai đoạn 2018-2023 (10.522 doanh nghiệp).
Đáng chú ý, theo bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thông qua các cuộc khảo sát, niềm tin của doanh nghiệp được gia tăng. Những câu trả lời về cảm nhận tích cực và rất tích cực cho năm 2024 đã tăng lên tương đối.
“Doanh nghiệp đánh giá cao những giải pháp đi thẳng vào thực tiễn, hỗ trợ chi phí, không có nhiều quy trình thủ tục phức tạp. Trong đó, 3 nhóm chính sách được đánh giá cao hơn cả là giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; giãn hoãn thời gian đóng tiền thuê đất và giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%. Tôi cho rằng, thời gian hỗ trợ cũng như những chính sách liên quan đến tiết giảm chi phí cần kéo dài hơn để doanh nghiệp có cơ hội tích luỹ, gia tăng nội lực ứng phó với khó khăn. Nếu coi 2024 là năm để bồi đắp năng lực cho doanh nghiệp thì tôi mong muốn chính sách sẽ đúng và trúng vào những vấn đề mà họ quan tâm nhất”, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ nhấn mạnh.