Tăng trần giá vé máy bay, doanh nghiệp được gỡ khó, người dân lo chi phí đi lại đội lên cao

Tăng giá trần vé máy bay nội địa được cho là sẽ giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp hàng không để đảm bảo cân đối chi phí. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo lắng việc người lao động khó tiếp cận dịch vụ do chi phí đi lại đội lên cao.

Sau rất nhiều ồn ào tranh cãi, cuối cùng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019, về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2024.

Cụ thể, các đường bay có khoảng cách dưới 500km mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Đối với các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Với đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều; đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều; đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều, và đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều.

-8769-1701920876.png

Người dân lo lắng tăng trần giá vé máy bay sẽ khiến chi phí đi lại đội lên

Được biết, mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỉ giá đều tăng cao.

Tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với giả định tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỉ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 23,1% so với tháng 9/2015.

Trong khi đó, Vietnam Airlines cho biết chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển của hãng. Giá nhiên liệu trung bình năm 2022 so với năm 2015 (thời điểm mức giá trần hiện tại được áp dụng) tăng khoảng 85% từ 67,3 USD/thùng lên 124,4 USD/thùng khiến chi phí của hãng tăng khoảng 30,5%.

Năm 2023, giá nhiên liệu trung bình so với năm 2015 cũng tăng tới 58,6%. Giá nhiên liệu tăng từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023. (Tuy nhiên, trong 1 tháng qua, giá dầu thô Brent đã giảm mạnh về quanh 78 USD/thùng).

Cùng đó, chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VND. Tỉ giá tăng 6,6% từ năm 2015 đến năm 2022 (tăng bình quân từ 21.900 VND/USD lên 23.350 VND/USD) làm chi phí của hãng tăng tương ứng 4,3%. Do đó chi phí vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines năm 2022 là 2.769 đồng/khách/km, cao hơn 43% so với chi phí năm 2015 (1.933 đồng/khách/km).

Còn trong năm nay, tỉ giá tăng lên mức trên 24.000 VND/USD, do đó chi phí vận chuyển của các hãng hàng không tăng vọt.

Nhiều ý kiến cho rằng tăng trần vé bay nội địa giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hàng không trong bối cảnh hãng hàng không kiệt quệ tài chính, doanh thu không đủ bù đắp vào chi phí khiến lợi nhuận luôn là con số âm. Đại diện một hãng hàng không cho biết, việc tăng khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh.

Tuy nhiên, đứng về góc độ người tiêu dùng, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại khi tăng giá trần vé máy bay sẽ khiến chi phí đi lại đội lên. Trong bối cảnh người lao động đang trải qua một năm nhiều biến động, kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp... thì chi phí đi lại tăng lên cũng gia tăng áp lực không nhỏ đến vấn đề tài chính.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, đối tượng bị tác động nhiều nhất là khách mua vé máy bay lẻ, khách cá nhân tự túc mua đi ngay hoặc mua dịp cao điểm.

Thực tế năm 2023, giá vé máy luôn ở mức cao. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2024 giá vé máy bay vẫn ở mức rất cao. Nhiều người lao động đang phải loay hoay tìm cách về quê sao cho tiết kiệm nhất.

Theo khảo sát từ ngày 8/2/2024 đến ngày 15/2/2024 (tức từ 29 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng), giá chặng bay trục TPHCM - Hà Nội ngày 8/2/2024 rẻ nhất 6 triệu đồng/vé khứ hồi (đã bao gồm thuế, phí) thuộc về Vietjet Air, Vietravel Airlines. Cùng đường bay, Vietnam Airlines, Bamboo Airways đang bán với giá khoảng 7 triệu đồng/vé khứ hồi.

Giá vé có xu hướng giảm vào những ngày tiếp theo, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Thậm chí nếu bay TPHCM - Hà Nội trong Tết, giá vé vẫn không thấp hơn 1,5 triệu đồng/chiều.

Đối với chặng TP.HCM đi Vinh, giá vé rẻ nhất vẫn là của Vietjet Air (7 triệu đồng/vé khứ hồi), tiếp đến là của Bamboo Airways với xấp xỉ 7,1 triệu đồng. Vietnam Airlines chiều đi chỉ còn hạng thương gia, giá thấp nhất hơn 6 triệu đồng/chiều, trong khi chiều về thậm chí không còn vé.

Nhiều doanh nghiệp du lịch lo lắng khi giá vé bay tăng cao dẫn đến giá các tour du lịch dịp cuối năm cũng tăng thêm từ 10% - 20% làm sức mua của khách giảm xuống vì chi phí vượt qua mức ngân sách khách dự trù cho mục đích du lịch. Giá tour du lịch trong nước tăng cao cũng khiến khách hàng có xu hướng so sánh và lựa chọn tour du lịch nước ngoài nhiều hơn.

Thanh Hoa

Lượt xem: 15
Tin liên quan