Tại sao doanh nghiệp Việt nên lập báo cáo phát triển bền vững?

TS Samuel Buertey, giảng viên Đại học RMIT cho rằng, khi Việt Nam tìm cách nâng cấp chuỗi giá trị và trở thành “người chơi có máu mặt” trong ngành ủy thác toàn cầu, bền vững là khía cạnh mà doanh nghiệp trong nước sẽ cần xem xét để tăng độ hấp dẫn cho quốc gia. VietnamFinance xin giới thiệu bài viết của ông về vấn đề này.

Sự phát triển không ngừng của kinh doanh bền vững

Tại một sự kiện kết nối kinh doanh gần đây, tôi đã gặp một chuyên gia thu mua. Một phần công việc của ông ta là liên kết các công ty quốc tế với các nhà sản xuất đặt tại Việt Nam. Gần đây, vị chuyên gia này nhận được yêu cầu từ khách hàng mong muốn kết nối với nhà cung cấp địa phương, và thậm chí còn cung cấp mẫu thử để họ xem xét.

Tuy nhiên, trước khi giao dịch hoàn tất, khách hàng yêu cầu xem bằng chứng về cách nhà sản xuất đặt tại Việt Nam áp dụng kinh doanh có trách nhiệm, đặc biệt trong cách công ty đối xử với nhân viên cũng như sắp xếp điều kiện làm việc cho họ. Tôi hỏi ông ta về quy mô của hai công ty này, và thật ngạc nhiên khi ông ấy chia sẻ rằng cả hai đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Vài năm trước, ít doanh nghiệp quan tâm đến việc nhà cung cấp đối xử với công nhân của họ như thế nào, chứ đừng nói đến việc chốt giao dịch dựa trên những vấn đề như vậy. Các công ty lớn và đa quốc gia từng thực hiện những cam kết này vì sự hiện diện toàn cầu, nghĩa vụ các bên liên quan và mục tiêu quảng bá thương hiệu của họ. Song hiện nay, đến các DNVVN cũng xem xét điều kiện làm việc của nhân viên phía nhà cung cấp tiềm năng trước khi tiến hành đặt hàng.

Kỳ vọng đối với tính bền vững của doanh nghiệp

Doanh nghiệp được kỳ vọng cam kết kinh doanh bền vững nhiều hơn bao giờ hết. Các bên liên quan quan tâm đến tác động của doanh nghiệp đối với nền kinh tế, môi trường và xã hội. Trước đây, những kỳ vọng xã hội như vậy thường chỉ có thể thấy ở các nước tiên tiến, song thời thế đã thay đổi.

RMIT Việt Nam

TS Samuel Buertey - Giảng viên Kế toán ĐH RMIT

Mặc dù kỳ vọng trong nước ở các quốc gia đang phát triển có thể thấp, nhưng yêu cầu về hoạt động kinh doanh bền vững đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Các yếu tố bên ngoài cũng thúc đẩy doanh nghiệp địa phương hướng tới hoạt động kinh doanh bền vững, đặc biệt ở các quốc gia nơi doanh nghiệp dễ tiếp xúc với thị trường quốc tế. Đây là nơi mà nhiều nền kinh tế mới nổi, chẳng hạn như Việt Nam, tìm thấy cơ hội cho chính mình.

Việt Nam đang dần định vị mình là địa điểm ủy thác sản xuất và kinh doanh (BPO) cho nhiều thương hiệu toàn cầu. Theo chỉ số Dịch vụ toàn cầu (GSLI) năm 2021 của Kearney, Việt Nam xếp thứ 6 trong số 60 quốc gia được xem là điểm đến nước ngoài khả thi. Báo cáo năm 2018 của PricewaterhouseCoopers (PwC) phân loại ngành BPO của Việt Nam là một trong những lý do chính hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi các yếu tố như chi phí, lao động lành nghề và nền kinh tế ổn định là những điểm thu hút chính giúp tăng trưởng lĩnh vực BPO ở Việt Nam, dữ liệu gần đây cho thấy khi cân nhắc thuê ngoài, ngày càng nhiều công ty đang rải hoạt động sản xuất lên khắp nơi trên thế giới.

Do đó, phần lớn công ty đang tìm cách cải thiện quy trình kinh doanh với ủy thác cũng nỗ lực phát triển bền vững nhất có thể. Doanh nghiệp thực hiện điều này bằng cách đảm bảo hợp tác với nhà cung cấp cũng quan tâm đến việc biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn giống như tâm nguyện của họ.

Trong một bài báo trên Harvard Business Review năm 2020, các tác giả chỉ ra rằng ngày càng nhiều công ty toàn cầu chỉ chấp nhận làm việc với những nhà cung cấp cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Đây là một phần trong nỗ lực quản lý chuỗi cung ứng bền vững lớn hơn nhằm tìm cách thúc đẩy hoạt động bền vững trên mạng lưới cung ứng của toàn tổ chức.

Nghiên cứu của Ernst & Young (EY) năm 2022 cho thấy xét đến mục tiêu bền vững bao quát lớn hơn, tám trên mười lãnh đạo chuỗi cung ứng cam kết vận hành chuỗi cung ứng bền vững tập trung vào nguồn cung ứng có đạo đức bên cạnh các yếu tố khác.

Tầm quan trọng của báo cáo bền vững

Báo cáo là văn bản giúp doanh nghiệp có thể mô tả cam kết của mình với những mục tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo bền vững công bố và thể hiện các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị cũng như tiến độ đạt được các mục tiêu đó. Nhìn từ góc độ này, không nên xem báo cáo bền vững là hoạt động đặc thù riêng các công ty đại chúng lớn hoặc các công ty đa quốc gia. Bất kỳ doanh nghiệp nào thực sự ưu tiên tính bền vững sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong việc lập ra danh sách các mục tiêu bền vững và chương trình hành động để đạt được các mục tiêu đó.

Phải thừa nhận rằng một số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất nỗ lực thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Tuy nhiên, con số này rất ít và nhìn chung họ đều là những công ty lớn được niêm yết công khai. Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), tính riêng năm 2022, chỉ có 19 công ty đại chúng phát hành báo cáo phát triển bền vững riêng.

Xét về xu hướng toàn cầu hiện nay, khi nhiều công ty cam kết quản lý chuỗi cung ứng bền vững thông qua ủy thác, dự kiến sẽ có thêm nhiều công ty Việt Nam không chỉ áp dụng những thông lệ kinh doanh bền vững mà còn đưa ra các biện pháp ghi chép và báo cáo để duy trì sức hấp dẫn trên thị trường BPO quốc tế.

Lượt xem: 6
Tác giả: TS Samuel Buertey
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật