Rủi ro lớn khi đầu tư vào Egroup của Shark Thủy?

Egame của Shark Thủy đang “bán” cổ phần của công ty mẹ là Egroup cho nhiều nhà đầu tư. Tuy vậy, hình thức huy động vốn như trên được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Thời gian qua, trên mạng xã hội ghi nhận nhiều quảng cáo “có cánh” khi tham gia đầu tư vào hệ sinh thái giáo dục của Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup (gọi tắt là Egroup) như: “Đầu tư tiết kiệm, an toàn linh hoạt lãi suất tốt”, “Đầu tư vào tri thức đem lợi nhuận cao nhất”... cùng với lãi suất 12%/năm, đầu tư chỉ từ 50 triệu đồng. Thậm chí, Egroup còn có cả chương trình ưu đãi tặng vàng cho khách hàng khi tham gia đầu tư.

Vào vai người có nhu cầu đầu tư, phóng viên được một bạn tên T (xưng nhân viên thuộc Egroup) tư vấn, giới thiệu về việc tham gia đầu tư vào hệ sinh thái của Egroup. Trong đó, nhân viên T giới thiệu về chương trình đầu tư bằng việc mua cổ phần Egroup thông qua Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame (gọi tắt là Egame) do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) làm Chủ tịch HĐQT.

Thỏa thuận
Bằng thỏa thuận này, nhiều nhà đầu tư đã mua cổ phần từ Egroup thông qua Egame của Shark Thủy

Để “làm tin”, nhân viên T đã cung cấp "Thỏa thuận hợp tác chiến lược" đã ký với Egame để mua cổ phần tại Egroup (Egroup là công ty mẹ của Egame). Theo đó, T đã nhận chuyển nhượng 2.189 cổ phần tại Egroup với giá trị chuyển nhượng 83.179.000 đồng (gần 38.000 đồng/cổ phần). Đáng lưu ý, trong thỏa thuận có những điều khoản sau: Egame cam kết đến ngày 12/1/2023 (tức ngày hết hạn thỏa thuận) sẽ tặng thêm 59 cổ phần cho T.

Đồng thời, nếu T có nhu cầu chuyển nhượng lại một phần hoặc toàn bộ số cổ phần này thì Egame “cam kết và bảo đảm sẽ tìm đối tác có nhu cầu mua hoặc sẽ mua lại (trong trường hợp không tìm được đối tác có nhu cầu mua) với giá là 42.560 đồng/cổ phần”.

Thỏa thuận với nhiều điều khoản bất  lợi cho nhà đầu tư
"Thỏa thuận hợp tác chiến lược" của Egame có nhiều điều khoản bất lợi cho nhà đầu tư

Ngoài những điều khoản tưởng chừng rất có lợi cho nhà đầu tư thì ngay phía dưới thỏa thuận lại quy định, nhà đầu tư buộc phải ủy quyền cho Egame tham dự và phát biểu trong các kỳ đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền (mỗi cổ phần có một phiếu biểu quyết); Đồng thời, ủy quyền cho Egroup thực hiện các quyền và nghĩa vụ cổ đông khác theo quy định tại điều lệ của Egroup và pháp luật có liên quan; Hay Egroup được thay mặt nhận và hưởng cổ tức phát sinh từ cổ phần trên với mức theo quyết định của đại hội đồng cổ đông Egroup…

Rõ ràng có thể thấy, nhà đầu tư bỏ tiền để mua cổ phần tại Egroup nhưng quyền thực sự lại thuộc về Egame của Shark Thủy. Hiểu một cách đơn giản thì các nhà đầu tư vừa mất tiền và cũng chẳng được trọn vẹn quyền đối với số cổ phần mình nắm giữ?

Như vậy, việc Egame huy động vốn thông qua hình thức “hợp tác đầu tư chiến lược” vào cổ phần của Egroup có đúng với quy định pháp luật hay không? Quyền lợi của nhiều nhà đầu tư được giải quyết như thế nào khi thực tế họ đang bị Egame "giữ" tiền?

Luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Hãng luật Nguyên Giáp - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm về vụ việc trên như sau: Tại văn bản thỏa thuận thể hiện Egroup không trực tiếp đứng ra chuyển nhượng cổ phần mà lại thông qua Egame nên trách nhiệm, nghĩa vụ của Egroup đối với các nhà đầu tư là chưa được xác nhận, làm rõ.

Mặt khác, mối quan hệ giữa Egroup và Egame trong vụ chuyển nhượng này chưa có thông tin rõ ràng. Trong khi đó, Egame lại là bên đứng ra cam kết mua lại toàn bộ cổ phiếu của các nhà đầu tư mà không phải là Egroup.

Hơn nữa, trong các điều khoản tại văn bản thỏa thuận thì trách nhiệm của Egame cũng không được quy định rõ ràng. Điều này càng khiến chủ đầu tư phải cân nhắc để tránh nguy cơ mất trắng trong trường hợp xảy ra tranh chấp pháp lý khi Egame không thực hiện đúng cam kết.

"Do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng, kiểm tra, kiểm chứng đầy đủ các thông tin doanh nghiệp công bố về tính trung thực, khách quan, tránh bị các doanh nghiệp bắt tay nhau, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư để huy động vốn trái phép", Luật sư Chung đưa ra cảnh báo.

Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, sau khi ký một văn bản có tên là “Thỏa thuận hợp tác chiến lược” với Egame để nhận chuyển nhượng cổ phần tại Egroup thì họ đã đóng đầy đủ số tiền đầu tư cho công ty.

Tuy nhiên, khi đến thời điểm hết hạn thỏa thuận thì nhiều nhà đầu tư cho biết, Egame từ chối trả tiền. Nếu nhà đầu tư muốn nhận tiền thì phải tái ký hoặc nhận lãi thành từng đợt.

Được biết, hiện có rất nhiều người đã đầu tư vào Egame thông qua hình thức trên và đều đang “mắc kẹt”, không lấy lại được tiền và lãi như cam kết.

Lượt xem: 198
Tác giả: Nguyễn Trang
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan