Rào cản ‘chặn lối’ doanh nghiệp nhỏ hướng ra thị trường ngoại

Có 90% doanh nghiệp Việt khi tham gia một cuộc khảo sát mới đây cho biết điều mong muốn là mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài. Thế nhưng, giữa mong muốn với thực tế là cả khoảng cách xa, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ vẫn còn đang đối mặt nhiều rào cản “chặn lối” ra thị trường ngoại. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Khánh Trang, cho biết thời gian qua có dành thời gian quan tâm đến hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, tuy nhiên do khó khăn về tài chính khiến cho công ty chưa thể mạnh dạn tham gia vào các sàn TMĐT có tính toàn cầu.

“Cân đo đong đếm” vào kênh online toàn cầu

Theo ông Tuấn, với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, điều còn băn khoăn là chi phí tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT quốc tế quá cao, cho nên họ phải “cân đo đong đếm” vì tài chính hạn hẹp.

-2133-1721641930.png

Để chinh phục được các nhà thu mua quốc tế vẫn còn là cả vấn đề thách thức cho các DN nhỏ của Việt Nam.

“Chẳng hạn mức phí tham gia bán hàng của sàn Alibaba khi chào mời chúng tôi là 1.900 USD/năm (tương đương khoảng 50 triệu đồng), đây là số tiền “khá chát” so với mặt bằng khó khăn chung về tài chính của các DN nhỏ. Chúng tôi vẫn mong các sàn TMĐT xuyên biên giới đang hoạt động ở Việt Nam nên có nhiều cách làm uyển chuyển hơn, giảm chi phí bán hàng thì các DN nhỏ sẽ mặn mà tham gia nhiều hơn”, vị giám đốc này nói.

Không chỉ với vấn đề tài chính như chia sẻ của ông Tuấn, còn có những rào cản khác mà nhiều DN vừa và nhỏ gặp phải khi hướng ra thị trường ngoại thông qua kênh TMĐT. Đó là nhiều DN trong nước còn thiếu nhân lực phục vụ cho hoạt động này, thiếu kỹ năng bán hàng trên các sàn TMĐT quốc tế, thiếu thông tin thị trường và quy định pháp lý tại nước sở tại. 

Mặt khác, các nhà sản xuất truyền thống tại Việt Nam thường có năng lực sản xuất tốt nhưng thiếu kỹ năng xây dựng thương hiệu trên môi trường trực tuyến quốc tế. Họ chưa có kiến thức, kỹ năng xây dựng chiến lược kinh doanh, bảo vệ thương hiệu của mình trên các kênh bán hàng trực tuyến (online) toàn cầu.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, khi bước vào thị trường trực tuyến và thâm nhập các thị trường quốc tế như Mỹ và Châu Âu, cách làm thương hiệu phải thay đổi. Để thành công, các DN cần hiểu rõ cách kể câu chuyện thương hiệu của mình và áp dụng các công cụ số. 

Để nâng cao được năng lực cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu Việt toàn cầu thông qua kênh TMĐT, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết đang phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số để đào tạo khoảng 10.000 nhân lực cho các DN về TMĐT xuyên biên giới trong vòng 5 năm nhằm nâng cao kỹ năng bán hàng. 

Bên cạnh đó, theo ông Toàn, Amazon sẽ cung cấp các giải pháp để DN Việt có thể đăng ký và bảo hộ được thương hiệu cũng như có những công cụ giúp DN phát triển thương hiệu ngay trên nền tảng này.

“Kinh nghiệm từ những thương hiệu lớn cho thấy cần bán những sản phẩm mà khách hàng cần, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa để đạt được tiêu chuẩn của thị trường cũng như tập trung xây dựng thương hiệu ngay từ đầu để tiến tới một nền tảng kinh doanh lâu dài”, ông Toàn khuyến nghị thêm.

Ngoài những rào cản khi tham gia vào hoạt động TMĐT xuyên biên giới, điều mong mỏi chung của nhiều DN nhỏ và vừa là đưa được hàng hóa của mình ra thị trường nước ngoài. Bởi lẽ, mục tiêu bán hàng hóa ở nước ngoài có thể giúp cho họ tăng đơn đặt hàng, có nhiều ngoại tệ, tăng doanh thu và lợi nhuận vì tiếp cận được với nhiều khách hàng quốc tế. 

Chờ những giải pháp đồng bộ để “tháo rào”

Hơn nữa, lợi ích của việc xuất khẩu (XK) sẽ giúp các DN nhỏ và vừa giảm thiểu rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào thị trường nội địa vốn vẫn còn đang chập chờn về sức mua. Không những vậy, XK còn giúp các DN nội địa kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm, cải thiện chất lượng và mẫu mã liên tục để đáp ứng các yêu cầu đặt hàng và đòi hỏi của khách hàng trên thế giới.

Đó là lý do mà trong Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 của Ngân hàng UOB được công bố vào tháng 7/2024 cho thấy 90% DN Việt Nam tham gia khảo sát đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ rõ những rào cản của các DN khi hướng ra thị trường ngoại. Cụ thể, các DN ở Việt Nam đang mong đợi những hỗ trợ tài chính như ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế (42%), các nguồn tài trợ hoặc trợ cấp dành cho các thị trường mới (40%). 

Rõ ràng đây là mối băn khoăn chính đáng các DN nhỏ và vừa khi muốn xuất ngoại. Điều này có thể tham khảo từ những quốc gia kề cận Việt Nam, điển hình như Trung Quốc. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, kể rằng khi DN Trung Quốc hướng ra thị trường bên ngoài theo chủ trương của từ nhà nước của họ thì có được sự khuyến khích nhất định về phí hải quan, rồi các khoản thuế cho hàng XK.

Bên cạnh đó, các DN nhỏ và vừa nên lưu tâm đến nhận xét từ góc độ của một nhà thu mua quốc tế là ông Herman Xu, Tổng giám đốc Phụ trách Chất lượng, Tập đoàn Miniso (một thương hiệu chuỗi cửa hàng bách hóa của Trung Quốc). Đó chuỗi cung ứng của Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức về cạnh tranh với chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lực sản phẩm, đảm bảo chất lượng, năng lực cung ứng, năng lực dịch vụ thương mại.

Cũng nên nhắc thêm đến báo cáo gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCC), trong khoảng 800.000 DN tư nhân trong nước đang hoạt động thì DN lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính với các DN nhỏ và vừa là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế.

Rõ ràng, trước hàng loạt rào cản như vậy thì việc hướng ra mở rộng kinh doanh ở thị trường nước ngoài là cả thách thức với các DN nhỏ. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính đồng bộ để “tháo rào”, để nâng cấp sức mạnh cho những DN nhỏ mong muốn được xuất ngoại nhằm tìm kiếm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Chẳng hạn như để hỗ trợ DN nhỏ tham gia vào hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Điều mà các cơ quan quản lý cần làm là nên tập trung vào các giải pháp như: Tiếp tục có các khóa đào tạo miễn phí, hoàn thiện chính sách thể chế, tháo gỡ khó khăn về tài chính, hoàn thiện hạ tầng phát triển TMĐT bền vững, xây dựng các nền tảng cốt lõi, liên kết vùng TMĐT, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Còn xét chung, để không còn những rào cản “chặn lối” DN nhỏ hướng ra thị trường ngoại thì các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN trong quá trình XK. 

Nhất là cần rà soát, sớm tháo gỡ các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, gây khó khăn, vướng mắc, phiền hà cho DN. Điều này đã được lưu ý rõ trong Công điện số 71/CĐ-TTg hôm 21/7/2024 được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và Quý 3/2024.

                                                                                          Thế Vinh

Lượt xem: 4
Tác giả: “Cân đo đong đếm” vào kênh online toàn cầu
Tin liên quan