PVMachino muốn thoái vốn công ty đất vàng và mua bất động sản trong giai đoạn khủng hoảng

Đại hội đồng cổ đông bất thường của Tổng công ty Máy - Thiết bị dầu khí – PVMachino (mã PVM - UPCoM) vừa thông qua chủ trương đầu tư, đấu thầu các dự án bất động sản; mua nợ tại một số tổ chức tín dụng; chuyển nhượng vốn đầu tư tại một số đơn vị…

 

Ban lãnh đạo PVMachino trình Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua chủ trương chuyển nhượng vốn đầu tư tại một số đơn vị có vốn góp và các khoản đầu tư tài chính khác để bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh của công ty. Trong đó, Hội đồng quản trị được ủy quyền quyết định giá chuyển nhượng phần vốn đầu tư tại từng đơn vị/từng danh mục đầu tư tài chính khác, bao gồm cả trường hợp giá chuyển nhượng phần vốn đầu tư vượt quá 35% tổng giá trị tài sản của công ty trong báo cáo tài chính gần nhất.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về dự định thoái vốn tại Công ty cổ phần Máy - Thiết bị dầu khí Đà Nẵng (Daesco), ông Phạm Văn Hiệp, Tổng Giám đốc PVM cho biết, Daesco có vốn điều lệ khoảng gần 50 tỷ đồng, PVMachino nắm giữ gần 50%. Trước đây, PVMachino mua cổ phần với giá 24.000 đồng, mức độ đầu tư trong vốn điều lệ thì chỉ khoảng 25 tỷ đồng, nhưng vốn bỏ ra mua là hơn 50 tỷ đồng. Sau nhiều năm thua lỗ, Daesco có hoạt động khởi sắc hơn trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa đạt mức chi trả cổ tức theo kỳ vọng.

“Chúng tôi đang yêu cầu Daesco bằng mọi giá chi trả cổ tức với mức tối thiểu là 10%. Nhưng nếu 10% trên số cổ phần sở hữu thì cũng chỉ nhận được 2,5 tỷ đồng. Chúng tôi tính toán, nếu có thoái vốn tại đây thì ít nhất cũng phải thu về gấp nhiều lần mới tiến hành”, ông Hiệp cho biết.

Được biết, PVM có 3 liên doanh hoạt động rất hiệu quả, hàng năm mang lại cho công ty thu nhập tài chính từ cổ tức tiền mặt đều đặn.. Công ty sở hữu 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô SHOWA Việt Nam. Các đối tác trong liên doanh đều là những công ty hàng đầu Nhật Bản trong ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất máy móc như Showa, Nippon Seiki, FCC, Asia Honda Motor và Itochu Coporation. Các liên doanh này chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, xe chuyên dụng và các loại máy khác phục vụ cho nhu cầu trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các khách hàng lớn Honda, Kawasaki, BMW, Harley Davidson...

Đối với 3 liên doanh này, ông Phạm Văn Hiệp cho biết trước dịch COVID-19, nguồn thu cổ tức từ 3 liên doanh này vào khoảng 80 – 90 tỷ đồng. Nhưng có 1 liên doanh đóng góp tới 3/4 số này, 2 liên danh còn lại chỉ chiếm 1/4. “Trong thị trường này, chúng tôi phải phân tích, xem xét liên doanh hiệu quả thì nên giữ, các liên doanh thu nhập giảm dần thì phải nghiên cứu lại. Chúng tôi sẽ cân nhắc nên giữ hoặc thoái liên doanh nào và sẽ có giải trình tới quý vị cổ đông trong kỳ họp gần nhất”, ông Phạm Văn Hiệp nói.

Công ty cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương đầu tư, tham gia đấu thầu các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản (chung cư, đất ở, thương mại dịch vụ, khu/cụm công nghiệp…), năng lượng tái tạo tại các địa phương Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Bình, Khánh Hoà, Phú Thọ, Quảng Trị. 

Bên cạnh đó, thông qua chủ trương mua nợ tại một số tổ chức tín dụng với mục tiêu phục vụ cho việc phát triển các dự án bất động sản của công ty. Trong đó, Đại hội đồng cổ đông giao và uỷ quyền cho Hội đồng quản trị quyết định giá mua nợ, bao gồm cả trường hợp giá mua nợ vượt quá 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong Báo cáo tài chính gần nhất của công ty.

Ông Vũ Đức Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVM cho biết, trong khoảng thời gian thị trường bất động sản - tài chính xảy ra khủng hoảng như vừa qua, rất nhiều các tổ chức, đơn vị bất động sản sở hữu các khoản nợ xấu - không trả được nợ, số lãi quá lớn, buộc phải bán tài sản/bất động sản với giá chiết khấu.

Việc mua lại bất động sản trong thời điểm này là nghiệp vụ khá hấp dẫn trong môi trường khủng hoảng và công ty sở hữu một số lợi thế, nhất là việc các dự án này pháp lý rõ ràng. Đây là các dự án tốt, có thể đàm phán với các tổ chức tài chính để mua với giá tốt nhất. Bản thân với số nợ gốc và lãi như hiện tại, các dự án không thể hoàn thành, nhưng chúng ta mua được với giá hấp dẫn. Điều này chỉ xảy ra trong chu kỳ kinh tế như hiện nay, khi có khủng hoảng xảy ra.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về các khoản đầu tư chứng khoán đang thua lỗ, ông Tiến chia sẻ, hiện tại PVM chỉ sở hữu duy nhất cổ phiếu TCB (Tecombank) với số lượng khoảng 500.000 cổ phiếu. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2022 không thuận lợi, công ty sẽ tìm kiếm cơ hội để bù đắp vào khoản lỗ.

“Cũng có cái sai là chúng tôi chưa cắt lỗ, nhưng chúng tôi sẽ có cách giải quyết để mang lại lợi ích tối đa cho công ty và báo cáo các cổ đông”, ông Tiến cho biết.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật