Nửa năm lạ kỳ của nhóm doanh nghiệp chăn nuôi heo
Việc giá heo hơi tăng cao so với cùng kỳ năm trước đáng lẽ đã giúp các doanh nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp trải qua nửa đầu năm 2024 thuận lợi. Tuy nhiên, khi mổ xẻ sâu hơn, không phải doanh nghiệp nào cũng “nở hoa”.
Quý 2/2023, giá heo hơi trung bình cả nước tăng mạnh đến mức đỉnh của năm, trung bình khoảng 55,000 đồng/kg heo xuất chuồng. Tuy nhiên, giá heo sau đó lao dốc mạnh, dò đáy quanh mốc 45,000 đồng/kg, trước khi tăng lại khoảng 49,000 đồng/kg tại quý 4/2023.
Năm 2024, câu chuyện diễn ra theo chiều ngược lại. Tại quý 1, giá heo hơi bật tăng lên ngưỡng trên 60,000 đồng/kg và tại quý 2 tiếp tục neo cao quanh ngưỡng 65,000 đồng/kg, tức tăng khoảng 18% so với cùng kỳ. Với mức tăng này, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi heo cũng tỏ ra bừng sáng trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, khi mổ xẻ sâu hơn, không phải cái tên nào cũng hưởng lợi.
Kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành chăn nuôi heo trong quý 2/2024 |
Dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm chăn nuôi heo là HAG của “bầu Đức” khi lãi ròng tới 270 tỷ đồng trong quý 2, gấp gần 2.4 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu từ mảng trái cây (cụ thể là xuất khẩu chuối), với doanh thu tới hơn 1.1 ngàn tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ.
Còn với mảng heo, HAG chỉ đạt 320 tỷ đồng doanh thu trong quý 2, thấp hơn cùng kỳ 28%. Dẫu vậy, giá vốn cũng giảm tới 40% (nhiều khả năng do hưởng lợi từ giá thức ăn chăn nuôi rẻ) nên lãi gộp mảng này được cải thiện mạnh tới 68%, đạt 86 tỷ đồng.
Xếp thứ 2 là mảng nông nghiệp của HPG, tăng trưởng cả về doanh thu (1,542 tỷ đồng, tăng 4%) và lợi nhuận (225 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ) trong quý 2. Mảng này đóng góp lợi nhuận cao thứ 2 cho HPG, gấp 4 lần bất động sản và chỉ đứng sau mảng thép cốt lõi.
BAF cũng là cái tên nổi bật trong quý 2. Dù doanh thu đi lùi 25%, doanh nghiệp “heo ăn chay” lãi ròng 34 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Điểm đáng nói là việc doanh thu sụt giảm thực chất do BAF thu hẹp quy mô mảng bán nông sản, còn mảng chăn nuôi heo ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với doanh thu gấp 4.7 lần cùng kỳ.
Doanh nghiệp cho biết, việc chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi từ 2 nhà máy cám chay, cũng như lứa heo bán ra trong quý 2 được ghi nhận với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi “rẻ” trong nửa cuối 2023, đã giúp giá vốn giảm. Biên lãi gộp được cải thiện từ 5.8% lên 14.2%.
Trong khi đó, Dabaco (HOSE: DBC) lại có kết quả đi lùi với lợi nhuận rơi tới 55%, chỉ đạt 144 tỷ đồng. Thực tế, mức giảm này phần lớn do quý 2/2023 có thêm 754 tỷ đồng doanh thu từ bất động sản, nhưng mảng heo của “trùm chăn nuôi” cũng chịu ảnh hưởng vì giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi biến động và tình hình dịch bệnh (dịch tả heo châu Phi - ASF) diễn biến phức tạp.
Dù tỏ ra phân hóa trong quý 2, nhìn chung nhóm chăn nuôi vẫn đi qua nửa đầu năm 2024 với kết quả tươi sáng. HAG lãi ròng 485 tỷ đồng, tăng trưởng 27%; mảng nông nghiệp của HPG lãi đậm 408 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 63 tỷ đồng); Dabaco lãi 218 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lợi nhuận 6 tỷ đồng cùng kỳ; hay BAF lãi 154 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, VSN đón kết quả tiêu cực sau nửa đầu năm với lãi ròng 56 tỷ đồng, đi lùi 11%. Nguyên nhân do sản lượng bán giảm. Hơn nữa, là một doanh nghiệp chế biến thực phẩm, VSN lại chịu ảnh hưởng tiêu cực vì giá heo hơi đầu vào tăng cao so với cùng kỳ.
Masan Meatlife (UPCoM: MML) lỗ ròng 74 tỷ đồng sau nửa năm, cũng là đơn vị duy nhất báo lỗ. Tuy nhiên, kết quả này cho thấy sự phục hồi đáng kể, bởi cùng kỳ Doanh nghiệp lỗ ròng hơn 246 tỷ đồng. Nguyên nhân do có thêm các khoản lợi nhuận được chia từ công ty con, ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính.
Kết quả kinh doanh của nhóm chăn nuôi heo sau nửa đầu năm 2024 |
Dấu hỏi về khả năng tăng trưởng bùng nổ
Từ quý 1/2024, với việc giá heo hơi bước vào đà tăng, ngành chăn nuôi heo đã nhận được nhiều kỳ vọng. Trong đó, một số công ty chứng khoán và bản thân các doanh nghiệp cho rằng, giá heo hơi trung bình cả nước có thể lên tới 70,000 đồng/kg trong quý 2. Như MBS dự báo giá heo thậm chí có thể lên 75,000 đồng/kg, là động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi heo vì nguồn cung nội địa thiếu hụt. Đồng thời, mảng thức ăn chăn nuôi duy trì sự ổn định nhờ vào giá nguyên liệu đầu vào ổn định ở mức thấp cùng tỷ lệ tái đàn của hộ chăn nuôi gia tăng, giúp cho sản lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ tăng khoảng 5% so với năm 2023.
Chung nhận định, TPS cho rằng, giá heo có xu hướng tăng nhờ nhu cầu lớn hơn trong bối cảnh nguồn cung chưa tái đàn kịp thời sau dịch ASF. Công ty cũng kỳ vọng giá tăng lên khoảng 70,000 đồng/kg vào cuối quý 2, do doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn sau đợt dịch ASF và cần khoảng thời gian ít nhất đến cuối năm mới có nguồn cung mới ra thị trường.
Nhưng thực tế, từ sau quý 2, diễn biến giá heo không như kỳ vọng. Đà tăng giá đang có xu hướng chững lại, thậm chí giảm nhẹ. Cập nhật tại ngày 12/8, giá heo hơi trung bình cả nước đang là 63,400 đồng/kg. Do vậy, mức tăng trưởng lớn cho ngành chăn nuôi heo dựa trên giá kỳ vọng thời gian trước đây dường như trở nên khó chạm đến, nếu diễn biến giá heo trong thời gian tới vẫn như hiện tại.
Dù vậy, tiềm năng tăng trưởng của ngành heo nhìn chung vẫn tỏ ra ổn định trong trung và dài hạn. Theo TPS, Việt Nam nằm trong top các nước tiêu thụ thịt heo nhiều nhất châu Á. Trong đó, năm 2023 đạt 27.7 kg/người/năm và dự kiến sản lượng heo tiêu thụ theo dự báo của USDA năm 2024 là 3.8 triệu tấn, tăng 3.9% so với năm 2023. USDA cũng dự báo, Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng mạnh về tiêu thụ thịt heo trong giai đoạn 2023-2030, với kỳ vọng mức tăng là 30%.
Thị trường thức ăn chăn nuôi cũng tỏ ra tích cực. Nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta phần lớn từ nhập khẩu, chiếm khoảng 65% tổng cầu cả nước. Theo TPS, triển vọng sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước rất khả quan. Khi thu nhập người tiêu dùng gia tăng, sẽ thúc đẩy sử dụng nhiều hơn các sản phẩm chăn nuôi, qua đó giúp tăng sức tiêu thụ thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, xu hướng chăn nuôi trang trại ngày càng tăng cũng là cơ hội cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Trong ngắn và trung hạn, một số doanh nghiệp thực hành chăn nuôi bài bản, kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ được hưởng lợi nhờ có heo để bán. Nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ - vốn chiếm phần lớn thị trường chăn nuôi hiện nay - là bên chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch ASF.
“Khi giá heo thấp, người dân không đủ vốn nên không thể tái đàn (do đã dồn vào vụ trước và chịu ảnh hưởng từ ASF). Hơn nữa, nếu muốn chăn nuôi theo công nghiệp, phải đầu tư bài bản, bỏ ra số tiền lớn (gần 200 tỷ đồng) để xây chuồng trại sinh học. Nếu tự làm, không đạt chuẩn, thiệt hại từ dịch bệnh có thể mất trắng, không thể tái đàn, khiến nguồn cung khan hiếm. Lúc này, những bên chăn nuôi công nghiệp có nguồn cung cho thị trường sẽ thắng” - trích lời ông Ngô Cao Cường, Giám đốc tài chính của BAF.