Nâng cao ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các doanh nghiệp

Sáng 12/6, Sở Y tế phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể khu công nghiệp và chế xuất.

Tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho các doanh nghiệp

Tham dự lớp tập huấn có các đồng chí: Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) và đại diện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) nhấn mạnh: Năm nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện và Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, lãnh đạo quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm; đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Nâng cao ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các doanh nghiệp

Đồng chí Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) phát biểu tại Hội nghị

Lớp tập huấn được tổ chức nhằm triển khai Kế hoạch 319/KH-UBND ngày 26/12/2023 của UBND TP Hà Nội về “Công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội”; Kế hoạch số 60/KH-BQL ngày 8/4/2024 của Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội về việc tập huấn các quy định của pháp luật về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp năm 2024 và văn bản số 2274/SYT-ATTP ngày 29/5/2024 của Sở Y tế Hà Nội về việc đề nghị phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn công tác an toàn thực phẩm (ATTP) cho bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp và chế xuất.

Nâng cao ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các doanh nghiệp

Đồng chí Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tập huấn các kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm

Trong vai trò giảng viên của lớp tập huấn, đồng chí Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 336/KH-UBND về công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2023; Kế hoạch 48/QĐ-CCATVSTP của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã đi kiểm tra tại bếp ăn tập thể tại 4 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp trên địa bàn, tổng số 96 bếp ăn tập thể.

Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh 474/548 mẫu (tỷ lệ đạt 86,5%); lấy mẫu xét nghiệm tại Labo 110 mẫu, trong đó 107 mẫu đạt (97,3%), 3 mẫu không đạt (2,7%).

Tổng số cơ sở kiểm tra truy xuất nguồn gốc: 29 nhà cung cấp, trong đó truy xuất rau củ quả: 17 cơ sở; giò chả: 3 cơ sở; bún và bánh phở 2; đậu phụ 3 cơ sở; thịt lợn và gia súc gia cầm 4 cơ sở.

Trong đó, một số ít cơ sở không kín hóa khu vực sản xuất; chưa có giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP.

Ngoài ra, một số đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả, bún và bánh phở) chưa chứng minh được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt. Nguồn gốc chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ. Giấy tờ giao nhận hàng hóa chưa đầy đủ thông tin người giao người nhận, thiếu phiếu giao nhận/sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.

Một số cơ sở vệ sinh trang thiết bị và dụng cụ ăn uống còn chưa đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp nhưng chưa được bổ sung sửa chữa kịp thời. Biên bản giám sát thực phẩm, giám sát kiểm thực 3 bước hàng ngày chưa đầy đủ các thành phần theo quyết định. Một số công ty biên bản giám sát của tổ giám sát sơ sài, không đầy đủ nội dung.

Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm

Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp luôn được thành phố Hà Nội chú trọng, triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố về ATTP.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều tỉnh, thành đã xảy ra các vụ ngộ độc tập thể nổi cộm với số lượng hàng nghìn người mắc. Mới đây, vụ ngộ độc thực phẩm tại công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã làm hơn 300 công nhân nhập viện điều trị.

Nâng cao ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các doanh nghiệp

Toàn cảnh lớp tập huấn

Đồng chí Lê Thị Hằng nhấn mạnh: Ngộ độc thực phẩm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế xã hội. Đối với cá nhân người lao động và gia đình, ngộ độc thực phẩm gây nhiều tốn kém như: Chi phí nằm viện, chi phí thuốc, chi phí cấp cứu, chi phí ngăn chặn bệnh, chi phí phục hồi sức khoẻ...

Người lao động có nguy cơ thất thoát thu nhập, ảnh hưởng sức khỏe, mất việc làm, xáo trộn sinh hoạt trong gia đình. Ngộ độc thực phẩm cũng gây tổn thất của Nhà nước về các chi phí điều tra, xét nghiệm nguyên nhân gây ra ngộ độc...

Trong năm 2023, qua công tác kiểm tra của các đoàn kiểm tra của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được nâng cao hơn.

Được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối kết hợp chặt chẽ các ngành trên địa bàn thành phố, đặc biệt giữa ngành Y tế và ban quản lý các khu công nghiệp và chế suất, cụm công nghiệp đã chỉ đạo sát sao, trọng tâm, trọng điểm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nên công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể đã chủ động thực hiện nghiêm túc và hệ thống.

Đại diện doanh nghiệp tham gia lớp tập huấn trao đổi kiến thức về an toàn thực phẩm

Đại diện doanh nghiệp tham gia lớp tập huấn trao đổi kiến thức về an toàn thực phẩm

Qua lớp tập huấn, các học viên đã được cung cấp các kiến thức về các quy tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ các văn bản pháp luật về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Hà Nội năm 2024; góp phần nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người lao động.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 6
Tác giả: Phương Thu
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật