Một doanh nghiệp thủy điện rục rịch niêm yết trên HOSE
Ngày 20/09/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu hơn 235.3 triệu cp HNA của Thủy điện Hủa Na, tương ứng vốn điều lệ hơn 2,352 tỷ đồng.
Nhà máy Thủy điện Hủa Na |
Thủy điện Hủa Na đăng ký kinh doanh ngày 16/05/2007, được thành lập bởi 2 cổ đông sáng lập là Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) với vốn điều lệ 1,200 tỷ đồng. Đúng với tên gọi, Công ty kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng. Nhà máy thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế 180 MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư khoảng 7,092 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình năm là 712.7 triệu kwh.
Ngày 05/10/2017, cổ phiếu HNA được giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 10,000 đồng/cp. Sau gần 5 năm giao dịch UPCoM, HNA muốn chuyển sang niêm yết trên HOSE.
Tính tới hết phiên sáng 21/09, giá cổ phiếu HNA ở mức 17,800 đồng/cp. Khối lượng giao dịch bình quân trong gần 5 năm đạt hơn 3,413 cp/phiên.
Năm 2022, HNA lập đỉnh cao nhất cả về doanh thu thuần lẫn lợi nhuận ròng, lần lượt đạt 1,176 tỷ đồng và 583 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu thuần tăng 70% và lãi ròng gấp 3.5 lần năm 2021.
Khép lại nửa đầu năm 2023, HNA ghi nhận doanh thu thuần hơn 285 tỷ đồng và lãi ròng gần 47 tỷ đồng, lần lượt giảm 31% và 67% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình kết quả kinh lao dốc mạnh, Công ty cho biết lưu lượng nước về hồ bình quân đạt 35.71 m3/s, bằng 59.91% cùng kỳ (59.61 m3/s). Qua đó, sản lượng điện 6 tháng đầu năm đạt 206.27 triệu kWh, thấp hơn 83.82 triệu kWh so với cùng kỳ (290.09 triệu kWh), dẫn đến doanh thu nửa đầu năm đạt gần 297 tỷ đồng, giảm 31% so cùng kỳ.
Nguồn: VietstockFinance |
Năm 2023, HNA đặt mục tiêu doanh thu hơn 733 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 153 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và 74% so với thực hiện năm 2022. So với kế hoạch, Công ty mới thực hiện được 39% chỉ tiêu doanh thu và 31% mục tiêu lợi nhuận ròng sau nửa đầu năm.
Tính đến thời điểm 30/06/2023, tổng tài sản HNA đạt gần 3,737 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm, chủ yếu do đầu tư tài chính ngắn hạn, là khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại với kỳ hạn gốc 6 tháng hưởng lãi suất từ 9.5-10%/năm, giảm mạnh 73%, từ 200 tỷ đồng xuống còn 55 tỷ đồng.
Nợ phải trả chủ yếu là nợ vay ngắn và dài hạn, với gần 142 tỷ đồng và 143 tỷ đồng, lần lượt giảm 52% và 34% so với đầu năm. Tuy nhiên, khoản phải trả ngắn hạn khác gấp 13.2 lần đầu năm, lên hơn 242 tỷ đồng.