Lĩnh vực chính suy giảm, các doanh nghiệp xây dựng 'sống' bằng gì?
Năm 2022 rõ ràng là một năm đầy màu xám của phần lớn doanh nghiệp ngành xây dựng khi thị trường bị co hẹp, thiếu hụt hợp đồng, lợi nhuận suy giảm, áp lực cạnh tranh ngày càng tăng.
Kết quả thống kê của 98 doanh nghiệp xây dựng niêm yết cho thấy, trong năm 2022, doanh thu thuần tăng 24% so với năm 2021, đạt hơn 139 ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm 11%, còn chưa đầy 5,6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, 37 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận, 34 doanh nghiệp báo lãi giảm, còn lại là đi ngang hoặc thua lỗ.
Kết quả kinh doanh èo uột
Ở vị thế đầu ngành, Xây dựng Hòa Bình (HBC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ ròng kỷ lục (tính theo quý) hơn 1.200 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Lũy kế cả năm, doanh thu của HBC tăng hơn 20% nhưng giá vốn tăng cao khiến biên lãi gộp của doanh nghiệp trong top đầu ngành xây dựng thu hẹp về dưới 2%, so với mức 7% của năm 2021. Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính không đủ để bù đắp chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp.
HBC cũng ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 1.100 tỷ đồng năm 2022, so với mức lãi ròng gần 100 tỷ của năm trước. Khoản lỗ này cũng đánh dấu năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của HBC kể từ khi lên sàn.
Khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp ngành xây dựng (Ảnh minh họa: Thế Vinh). |
Tương tự, Xây dựng SCG - công ty chuyên phụ trách xây dựng các dự án của Sunshine Group - cũng báo lỗ hơn 43 tỷ đồng trong quý IV/2022, lần đầu tiên từ khi thành lập. Lũy kế cả năm, SCG ghi nhận doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế giảm hơn 80%, chỉ còn hơn 25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giảm mạnh nhất phải kể đến CTCP Xây dựng DIC Holdings (DC4), cả năm chỉ lãi hơn 253 triệu đồng, trong khi năm 2021 đạt 42 tỷ đồng. Doanh thu cũng giảm gần 60%, còn 264 tỷ đồng. Đáng chú ý, DC4 còn phải chịu chi phí tài chính tăng cao do phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính vào 2 công ty con cộng với lỗ do đầu tư chứng khoán.
Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của HBC trong cuộc đua dẫn đầu lĩnh vực xây dựng là Coteccons (CTD), cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi, chủ yếu do phải tăng trích lập dự phòng.
Quý IV, CTD đạt doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lũy kế cả năm, doanh thu của đại gia ngành xây dựng tăng 60%, đạt hơn 14.500 tỷ đồng, nhưng mức lợi nhuận không đủ để bù đắp cho chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp. Kết quả là lãi ròng cả năm của CTD chỉ hơn 20 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021.
Doanh nghiệp “sống” bằng gì?
Không chỉ kinh doanh ảm đạm, "sức khỏe tài chính" của các nhà thầu xây dựng cũng đang rất xấu. Cụ thể, tổng các khoản phải thu của 98 doanh nghiệp xây dựng tại thời điểm 31/12/2022 là hơn 148 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tổng dự phòng nợ khó đòi cũng tăng tới 36%, vượt mức 9 ngàn tỷ đồng.
Đơn cử, Coteccons nằm ở thứ hạng cao trong danh sách doanh nghiệp có lượng khoản phải thu và nợ khó đòi lớn. Khoản mục phải thu ngắn hạn của công ty tăng 31%, lên hơn 11.200 tỷ đồng vào cuối năm, với dự phòng nợ khó đòi tăng gần 60%.
Với Xây dựng Hòa Bình, quy mô các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng đến cuối năm 2022 tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, phần dự phòng phải thu khó đòi tăng hơn gấp đôi. Ricons cũng có quy mô các khoản phải thu cùng với phần vay nợ ngắn hạn tăng.
Tuy nhiên, giữa bức tranh nhiều màu xám, ngành xây dựng vẫn có những điểm sáng. Đến cuối năm 2022, tổng lượng tiền mặt của các doanh nghiệp xây dựng nắm giữ tăng gần 14%, đạt 27.050 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp xây dựng đang sống bằng các hoạt động tài chính. Điển hình như Tổng công ty Sông Đà (SJG), doanh thu thuần năm qua giảm 9%. Nguồn thu chủ yếu của SJG đến từ thương vụ bán gần 42 triệu cổ phiếu SJS (Sudico) với lãi ước tính hơn 3.400 tỷ đồng, qua đó đạt lãi ròng hơn 1.389 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với năm 2021.
Hay CIENCO4 (C4G) năm 2022 nhờ chuyển nhượng dự án Khu đô thị Long Sơn 1 mang lại lãi gộp hơn 22 tỷ đồng. Đồng thời, công ty lấy số tiền chưa dùng hết từ phát hành cổ phiếu để gửi ngân hàng thu lãi, giảm nợ vay. Qua đó, lợi nhuận cả năm đạt hơn 168 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2021.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 23/12/2022, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng - ông Đậu Minh Thanh cho biết, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng năm 2022 ước đạt 8 - 8,5%. Trong một năm kinh tế nhiều biến động, đây vẫn là tỷ lệ tăng trưởng khả quan.
Dù vẫn có những điểm sáng, nhưng trong bối cảnh đầy biến động, khó khăn vẫn đang bủa vây các nhà thầu xây dựng. Hy vọng lớn nhất của các nhà thầu xây dựng trong năm 2023 là sự phục hồi của bất động sản, cùng với đó là sự tăng tốc giải ngân đầu tư công.
Dòng vốn FDI, dự án hạ tầng cũng được đánh giá sẽ là “đòn bẩy” của ngành thầu xây dựng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vần cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, giảm thiểu “phí không tên”.
Cùng với đó, sức ép cạnh tranh cộng với những khó khăn về vốn, chi phí đầu vào, nhân lực… cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cả lớn và nhỏ trong ngành xây dựng phải có chiến lược vượt thách thức tốt để vừa duy trì đà tăng trưởng vừa giữ vị thế của mình trong thời gian tới.
Hưng Nguyên