Kỳ vọng trước giờ khai mở sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Việc đưa trái phiếu doanh nghiệp lên niêm yết trên sàn chứng khoán là một bước tiến lớn của thị trường, góp phần khôi phục niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho các doanh nghiệp về dòng vốn.

Dự kiến, ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ chính thức vận hành. Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên sẽ có ít nhất 20 TPDN được giao dịch và trong vòng 3 tháng sẽ tăng lên 1.300 trái phiếu.

Giảm áp lực đáo hạn trái phiếu?

Gần đây, thị trường TPDN có nhiều biến động, khối lượng phát hành giảm mạnh, khối lượng mua lại tăng. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến hết quý II/2023, dư nợ TPDN chỉ chiếm 9,4% tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Quy mô thị trường TPDN đã giảm xuống chỉ còn khoảng 11,79% GDP, khá thấp so với các nước trong khu vực (Thái Lan đạt 26,1%, Malaysia đạt tới 53,6%...).

Kết thúc tháng 6/2023, tổng hợp dữ liệu từ HNX cho thấy, còn 116,5 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023.

-7149-1689663684.jpg

Hết quý II/2023, dư nợ TPDN chỉ chiếm 9,4% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, quy mô thị trường TPDN đã giảm xuống chỉ còn khoảng 11,79% GDP.

Nếu không có hoạt động mua lại trước hạn nào đáng kể thì trong 6 tháng còn lại của năm, áp lực đáo hạn sẽ dồn vào tháng 9 với giá trị cao nhất đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, tiếp theo là tháng 12 với 24,4 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 7 này, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 19,4 nghìn tỷ đồng.

Còn theo số liệu tổng hợp của VnDirect, riêng quý III sẽ có khoảng hơn 75.900 tỷ đồng TPDN đáo hạn, tăng 14,9% so với quý trước. Bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý III; đứng thứ hai là nhóm Tài chính - Ngân hàng với tỷ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn.

Hiện tại, khả năng mua lại TPDN trước hạn của các doanh nghiệp còn hạn chế do nhiều tổ chức phát hành vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và dòng tiền. Việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn cũng không dễ dàng, nhất là với nhóm doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, khi thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung đi vào hoạt động sẽ có nhiều người mua hơn, với mức giá công khai, minh bạch hơn, được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho các doanh nghiệp về dòng vốn và khơi thông thị trường TPDN nói chung.

Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức vận hành với kỳ vọng giúp thanh khoản thị trường cải thiện, đưa TPDN trở lại thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng.

Dòng tiền có cơ hội được lưu thông

Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng khẳng định, với việc mở sàn, yếu tố minh bạch sẽ rõ ràng hơn. Theo đó, ngay trước khi giao dịch, người mua và người bán đều biết rõ tất cả thông tin về trái phiếu. "Các tổ chức phát hành có trách nhiệm công bố thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin để chào bán trái phiếu. Các nhà đầu tư hiểu thông tin mua và bán một cách đầy đủ trước khi giao dịch, với sự hỗ trợ của các thành viên giao dịch", bà Vũ Thị Thúy Ngà, Phó Tổng Giám đốc HNX cho hay.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, với sàn giao dịch TPDN riêng lẻ, bất kỳ ai cũng có thể được bán TPDN của mình công khai, bất cứ lúc nào, thay vì như trước đây phải chờ đến khi đáo hạn, hay phụ thuộc hoàn vào việc doanh nghiệp phát hành, hay công ty chứng khoán có mua lại hay không.

"Kể cả tổ chức phát hành không mua lại thì đã có các nhà đầu tư thứ cấp khác sẵn sàng mua các loại trái phiếu đó. Chúng ta tăng được tính thanh khoản và rõ ràng lợi cho cả nhà đầu tư và tổ chức phát hành, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu ngắn hạn", ông Ngọc đánh giá.

Các doanh nghiệp cũng rất hào hứng chờ sàn giao dịch trái phiếu vận hành để dòng tiền có cơ hội lưu thông. Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trái phiếu có chất lượng được giao dịch sẽ thu hút các nhà đầu tư tham gia, như vậy sẽ khơi thông dòng vốn cho bất động sản nói riêng cũng như doanh nghiệp nói chung.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, thị trường TPDN sẽ không có thanh khoản cao về số lượng giao dịch như chứng khoán.

Ngoài ra, để thị trường không bị rơi vào cảnh giao dịch ảm đạm, cơ quan quản lý cần ưu tiên thực hiện các giải pháp lấy lại lòng tin từ nhà đầu tư và các thành viên tham gia thị trường.

Chẳng hạn, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung, thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp phát hành TPDN. Tuy nhiên, để thực hiện được, cơ quan chức năng cần sớm xem xét cấp phép cho 2-3 công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực và khuyến khích xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan quản lý sẽ có kế hoạch cấp phép cho 3 đơn vị trong thời gian tới để đảm bảo kế hoạch có 5 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đến năm 2030.

Vietcombank sẽ là ngân hàng thanh toán cho hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ.

Ông Nguyễn Mỹ Hào, thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, Vietcombank đã chủ động xây dựng hệ thống ngân hàng thanh toán chuyên biệt (VCB C-Bond) dành cho thị trường TPDN phát hành riêng lẻ. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng thanh toán chuyên biệt đáp ứng yêu cầu thanh toán tức thời, từng giao dịch, kiểm soát thông tin số dư tiền mua, bán trái phiếu tới từng nhà đầu tư. Đây là yếu tố mới, vượt trội, tạo điều kiện cho dòng vốn của nhà đầu tư được luân chuyển nhanh, các thông tin thị trường được quản lý minh bạch, hiệu quả.

Hệ thống này cũng chú trọng ưu tiên phương thức kết nối host-to-host qua API giữa Vietcombank với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cũng như các thành viên tham gia thị trường, đảm bảo giao dịch được thực hiện nhanh chóng, an toàn và bảo mật.

Thanh Hoa

Lượt xem: 6
Tác giả: Giảm áp lực đáo hạn trái phiếu?
Tin liên quan