Infina tiếp tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước "tuýt còi"

Đầu tháng 10 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã từng đưa ra cảnh báo về rủi ro khi tham gia đầu tư vào ứng dụng Infina. Mới đây, Infina lại tiếp tục bị "điểm tên" khi có dấu hiệu hoạt động kinh doanh chứng khoán mà không được cấp phép.

Cụ thể, thông báo mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Tititada, Anfin, Infia...), trong đó có Infina sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hỗ trợ nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng khoán, có dấu hiệu hoạt động kinh doanh chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

UBCKNN cảnh báo nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

UBCKNN tiếp tục đưa ra cảnh báo
Cảnh báo từ UBCKNN

“Nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh”, UBCKNN tiếp tục đưa ra khuyến cáo.

Quảng cáo đầu tư chứng khoán trên ứng dụng Infina
Quảng cáo đầu tư chứng khoán trên ứng dụng Infina

Trước đó, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có bài phản ánh về những rủi ro khi tham gia đầu tư vào Infina. Qua đó, một chuyên gia đã đưa ra nhận định, nếu ứng dụng công bố chỉ là trung gian môi giới, nhưng thực tế không hề chuyển tiền từ nhà đầu tư tới các quỹ/ngân hàng, thì nhà đầu tư đối diện khả năng “mất trắng” nếu ứng dụng “biến mất”. Tức là việc đầu tư vào các ứng dụng tương tự như Infina đều phải đối diện với rủi ro rất lớn vì tính pháp lý và sự minh bạch của dòng tiền.

Quảng cáo đội ngũ lãnh đạo của Infina
Quảng cáo đội ngũ lãnh đạo của Infina

Đáng lưu ý, tiền thân của Infina là mô hình bất động sản mua chung RealStake cũng đã từng nhận nhiều phản ánh vào năm 2020 vì tính rủi ro cao cũng như những dấu hiệu “mập mờ” trong vấn đề bảo lãnh của các ngân hàng.

Từng có quá khứ “thiếu uy tín”, sau khi đổi tên vẫn liên tục bị UBCKNN “tuýt còi” nhưng không hiểu lý do tại sao ứng dụng Infina vẫn được quảng cáo tràn lan và "ngang nhiên" hoạt động?

Lượt xem: 22
Tác giả: Nguyễn Trang
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật