Hướng đi lành mạnh cho doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến

Khi khâu quản lý và các chính sách trở nên chặt chẽ hơn sẽ giúp hoạt động kinh doanh trên thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam càng lành mạnh hơn. Điều quan trọng là các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến cần quản lý tốt dòng tiền, hướng tới sự chân chính, liên tục nâng cấp chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, giữ được sự trung thành của người mua.

Trong tháng 1/2023, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có thông báo tới các doanh nghiệp (DN) về việc gửi báo cáo hoạt động TMĐT năm 2022 của DN. 

Siết chặt quản lý hàng giả

Điều này nhằm phục vụ việc tổng kết, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của các website và ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời đưa ra định hướng phát triển TMĐT trong thời gian tới. Đối với những thương nhân, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ báo cáo sẽ bị đưa vào danh sách vi phạm theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT.

-2072-1673948690.jpg

Tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT tại Việt Nam trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh với đà tăng trưởng 2 con số.

Mới đây, cũng theo thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số, trong năm 2022 vừa qua đã gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước dự báo hoạt động TMĐT trong năm 2023 sẽ tiếp tục phát triển bùng nổ, Cục TMĐT và Kinh tế số đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đứng ở góc độ của nhà tư vấn về tiếp thị số, khi bàn về xu hướng và tăng trưởng TMĐT trong năm nay, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc điều hành (CEO) CTCP Firstcom Digital, nhận định các chính sách về thuế và các quy định pháp luật về TMĐT đang trở nên chặt chẽ hơn.

Theo ông Tuấn, trước đây những người kinh doanh TMĐT bán hàng khá dễ dãi với những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập tiểu ngạch, bán hàng cũng chưa chịu thuế… còn hiện tại, chúng ta phải tuân thủ theo các khuôn khổ pháp lý.

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong kinh doanh TMĐT vẫn còn là vấn đề nan giải khi mà sức hút ở thị trường này rất lớn. Như số liệu mới nhất cho thấy năm 2022, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước.

Chính vì vậy, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, trong năm 2023 này các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT.

Giới chuyên gia cho rằng một khi các cơ quan quản lý tăng cường kiểm soát vi phạm trên TMĐT có thể dẫn tới việc biên lợi nhuận của những cá nhân, DN kinh doanh trên TMĐT sẽ bị giảm sút vì khó có thể mãi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như lách luật để né thuế.

Liên tục nâng cấp chất lượng

Bên cạnh đó, nói về việc quản lý dòng tiền cho những người kinh doanh trên thị trường TMĐT trong năm 2023, ông Lê Anh Tuấn lưu ý đến các vấn đề như vay vốn khó khăn, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng có sự giảm sút nhất định. Hoạt động của các cá nhân, DN trong lĩnh vực này cũng cần phù hợp với quy trình chính sách. Những rủi ro về mặt hàng hoá, tiền bạc cũng sẽ lớn hơn.

Để quản lý tốt dòng tiền cho các cá nhân, DN hoạt động kinh doanh TMĐT, ông Tuấn cũng có lời khuyên là nên để mắt nhiều hơn đến số tiền phải chi ra hàng tháng ứng với những chi phí cố định, các loại chi phí về nhập hàng, về vận chuyển, dự phòng rủi ro…Ứng với những chi phí hàng tháng như vậy thì người kinh doanh phải tính số lượng bán hàng là bao nhiêu và nguồn tiền dự trữ là bao nhiêu.

“Ngày trước, nhu cầu mua sắm của khách hàng rất lớn, điều kiện kinh doanh tương đối thả lỏng nên mọi người có thể nhập lượng hàng lớn, sau đó dùng quảng cáo, livestream, KOL (người có sức ảnh hưởng)... để đẩy hàng. Nhưng bây giờ việc đó không dễ nữa, nên chúng ta cần giảm lượng hàng, chấp nhận bán ít hơn, lợi nhuận thấp hơn, nhưng đổi lại sẽ có sự an toàn về mặt tài chính”, vị CEO của Firstcom Digital nói thêm.

Những dự báo mới đây cho thấy tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ tiếp tục tăng nhanh với đà tăng trưởng 2 con số. Và đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.

Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng kênh TMĐT vẫn được các DN xem là kênh bán hàng đầy triển vọng, đặc biệt là với những DN làm ăn chân chính, hợp pháp và hợp đạo đức kinh doanh. 

“Nếu sản phẩm của mình là tốt, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn cần thiết và khách hàng đã từng mua được sản phẩm qua kênh bán hàng trực tuyến thì các DN cần tiếp tục phát huy, duy trì kênh bán hàng này và đầu tư vào các xu hướng tiếp thị trực tuyến để tiếp cận khách hàng nhiều hơn”, ông Dũng chia sẻ.

Vị chuyên gia này lưu ý, tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên kênh TMĐT trong thời gian qua cũng đã làm suy giảm lòng tin ở người tiêu dùng đối với một số nhà cung cấp. Nhất là một số sàn TMĐT không có uy tín, dung túng cho những người bán hàng ảo hoặc có ý lừa đảo trong đó khi quảng cáo sản phẩm kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Tuy nhiên, xét về mặt tiện lợi thì xu hướng của người tiêu dùng vẫn ưa chuộng kênh TMĐT. Chính vì thế, như chia sẻ của ông Dũng, điều quan trọng là những cá nhân, DN kinh doanh trên TMĐT trong thời gian tới phải hướng tới sự chân chính để không làm mất đi sự tin tưởng ở người tiêu dùng. 

Cho nên, với những DN làm ăn đàng hoàng trên TMĐT hãy tự tin, tiếp tục đầu tư cho kênh bán hàng này. Nhất là cần tập trung cho việc liên tục nâng cấp chất lượng sản phẩm, tạo sự khác biệt và đa dạng hoá cho sản phẩm để có sức cạnh tranh cao thì người tiêu dùng sẽ vẫn trung thành với mình.

Thế Vinh

Lượt xem: 12
Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan