Hancorp: Bán niên 2023, doanh thu BĐS ‘sụp đổ’, biên lãi gộp mảng xây dựng chỉ 1,8%
Là thành viên của liên danh VIETUR – đơn vị vừa vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu 5.10 sân bay Long Thành – Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (UPCoM: HAN) đã kết thúc 6 tháng đầu năm 2023 với kết quả không mấy tích cực, khi doanh thu và lợi nhuận cùng suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2023 của HAN nếu so với quý I/2023 thì đã tốt hơn, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì vẫn là một sự thụt lùi đáng kể.
Cụ thể, trong quý II/2023, doanh thu thuần của HAN chỉ đạt 730 tỷ đồng, giảm 19%; lợi nhuận gộp đạt 28 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý, hoạt động tài chính mang về 8 tỷ đồng doanh thu, nhưng chi phí tài chính đã “ăn” gần như sạch sẽ nguồn thu này. Việc tiết giảm 57% chi phí quản lý chỉ có tác dụng giảm bớt đà rơi của lợi nhuận.
Kết quý II/2023, HAN báo lãi trước thuế 11 tỷ đồng, giảm 74%; lãi sau thuế 8,6 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HAN đạt 901 tỷ đồng, giảm 29%. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự sụp đổ của mảng kinh doanh bất động sản khi chỉ mang về 2,3 tỷ đồng, giảm tới 99,5%; trong khi đó mảng cốt lõi là xây dựng chỉ tăng 2,3%, đạt 666 tỷ đồng. Điểm sáng duy nhất là việc bán hàng, cung cấp vật tư tăng gấp đôi, đạt 193 tỷ đồng.
Với doanh số thấp, lợi nhuận gộp 6 tháng của HAN chỉ đạt 40 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 4,4%, không quá tệ, nhưng xét riêng mảng xây dựng thì chỉ đạt 1,8% - là mức rất thấp so với trung bình ngành xây dựng, cho thấy hoặc HAN đã phải cạnh tranh bằng cách giảm giá, hoặc không quản trị tốt giá vốn kinh doanh.
Hoạt động tài chính 6 tháng âm 2 tỷ đồng, do chi phí tài chính tăng 28%. Do đó, kết 6 tháng, HAN chỉ có lãi trước thuế 11,4 tỷ đồng, giảm 76%; lãi sau thuế 8,9 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, HAN đặt mục tiêu doanh thu 1.910 tỷ đồng, lãi trước thuế 62,5 tỷ đồng. Như vậy kết thúc nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 47% mục tiêu doanh thu và 18% mục tiêu lãi trước thuế.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của HAN đạt 7.483 tỷ đồng, giảm 1,4% so với đầu năm. Chiếm 49% tổng tài sản là các khoản phải thu, trong đó tuyệt đại đa số là các khoản phải thu ngắn hạn (3.708 tỷ đồng). Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của HAN là 159 tỷ đồng.
Hàng tồn kho đạt 2.074 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm và chiếm 28% tổng tài sản. Như vậy, có tới 77% tổng tài sản của HAN đang bị “chôn” ở các khoản phải thu và tồn kho.
Về nguồn vốn, tại ngày 30/7/2023, nợ phải trả của HAN đạt 5.844 tỷ đồng, giảm 1,9% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay là 1.089 tỷ đồng, tăng 17%.
Với vốn chủ sở hữu chỉ 1.638 tỷ đồng, gần như không đổi so với đầu năm, HAN có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu khá cao, lên tới 3,56 lần – cho thấy mức độ lệ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài là khá nặng nề.
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh 6 tháng của HAN khá xấu khi âm 392 tỷ đồng, do tăng hàng tồn kho, giảm các khoản phải trả. Trong bối cảnh đó, HAN không gia tăng dòng tiền đi vay mà chỉ thu hồi khoản cho vay, bán công cụ nợ của đơn vị khác trong 6 tháng. Tuy nhiên, với dòng tiền đầu tư chỉ 20 tỷ đồng, ý nghĩa của việc bù đắp dòng tiền chỉ là muối bỏ biển.
Vì thế, đến cuối tháng 6/2023, quy mô vốn bằng tiền của HAN sụt giảm hơn 270 tỷ đồng, xuống chỉ còn 249 tỷ đồng, tương đương mức giảm 52% so với đầu năm.