Hải quan Việt Nam coi doanh nghiệp là đối tác

Phát biểu tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp 2024 do Tạp chí Hải quan và Ban Cải cách hiện đại hoá Hải quan tổ chức ngày 10/9/2024 - ngày kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ đã ôn lại truyền thống 79 năm xây dựng và trưởng thành của Hải quan Việt Nam.

Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cách đây tròn 79 năm, ngày 10/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thừa ủy quyền của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu, tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay. 79 năm qua, Hải quan Việt Nam đã có sự lớn mạnh, trưởng thành, phát triển cùng sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan đã được ngành Hải quan đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, cơ quan Hải quan các cấp luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Từ đầu năm 2024 đến nay, nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Việc tiếp tục phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp trong thời gian tới là rất cần thiết nhằm chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn để ổn định và phát triển.

Cơ quan Hải quan luôn tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế. Cùng với đó, tập trung tham vấn cộng đồng doanh nghiệp các chính sách, quy định pháp luật về hải quan và thuế; các chương trình cải cách, hiện đại hóa trọng điểm trước khi được ban hành; các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan luôn được ngành Hải quan đặc biệt chú trọng, thực hiện thống nhất trong toàn Ngành, dưới nhiều hình thức đa dạng và linh hoạt. Hàng năm, cơ quan Hải quan đã tổ chức hàng trăm hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp và đã xử lý hàng chục nghìn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Công tác giám sát thực thi pháp luật cũng được các đơn vị trong ngành Hải quan chú trọng và thực hiện qua nhiều kênh. Qua đó, doanh nghiệp có thể tương tác, phản ánh trực tiếp tinh thần, thái độ phục vụ cũng cũng như các vấn đề còn chưa hài lòng trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các Chi cục.

Các hoạt động hợp tác Hải quan với các hiệp hội và doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh để tham vấn, xây dựng chính sách, pháp luật; trao đổi, cập nhật thông tin về các quy định, chính sách mới trong lĩnh vực hải quan, quá trình thực thi pháp luật và thực hiện các sáng kiến về cải cách phương thức làm việc nhằm triển khai thực hiện các chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan.

Coi trọng sự hài lòng của doanh nghiệp

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, hiện nay, Hải quan Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có mục tiêu: “Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” và “phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan”.

Theo đó, thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan thông qua các công cụ số hóa, góp phần đổi mới phương thức làm việc; nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với nội dung trên, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tiếp tục được ngành Hải quan đẩy mạnh triển khai, tích cực đổi mới, đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu; coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan. Ngành Hải quan sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền đảm bảo phù hợp với đặc điểm loại hình doanh nghiệp và đặc thù địa bàn quản lý; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào công tác thông tin.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho rằng, để sự đồng hành Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Hải quan, không thể thiếu sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.

Do đó, ngành Hải quan mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, hưởng ứng cùng cơ quan Hải quan phát triển phong phú hơn các hoạt động phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp. "Sự đồng hành, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công, phát triển", Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ tin tưởng, phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan của ngành Hải quan sẽ tạo động lực quan trọng trong việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; giúp cho doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Lượt xem: 5
Tác giả: Trần Huyền
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết