HAGL lãi hơn nghìn tỷ: Chậm trả nợ ngân hàng, bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Mặc dù báo lãi 1.781 tỷ đồng trong năm 2023 nhưng Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vẫn bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Tập đoàn này chậm trả nợ cho BIDV và có những mối liên kết sâu sắc với LPBank.
HAGL bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) vừa công bố Báo cáo kiểm toán năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (1 trong 4 công ty kiểm toán nổi tiếng lớn nhất thế giới, có vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam).
Theo đó, kết thúc năm 2023, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 6.442,4 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lãi 1.663,97 tỷ đồng, tăng 47,4% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 23%, về còn 20,1%.
Đáng chú ý, việc ghi nhận lãi của HAGL trong năm 2023 chủ yếu do chi phí tài chính giảm tới 1.864,53 tỷ đồng, về âm 215,43 tỷ đồng. HAGL cho biết điều này là do chi phí lãi vay được miễn giảm tới 1.424,7 tỷ đồng (cùng kỳ không ghi nhận). Đây là khoản miễn lãi và gốc vay của công ty con là CTCP Chăn nuôi Gia Lai tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Mặc dù có lãi trong năm 2023 nhưng tại thời điểm 31/12/2023, HAGL vẫn còn lỗ luỹ kế 1.669,17 tỷ đồng, bằng gần 18% vốn điều lệ.
Điều đáng nói, dù có lãi tăng trong năm 2023 nhưng đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam vẫn có vấn đề cần nhấn mạnh trong báo cáo tài chính của HAGL.
Theo đơn vị kiểm toán, tính tới 31/12/2023, HAGL có khoản lỗ lũy kế hơn 1.669,2 tỷ đồng và cũng tại thời điểm cuối năm 2023, nợ ngắn hạn của công ty này đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 941,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại ngày này, HAGL cũng đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng trái phiếu và đang chưa thanh toán các khoản nợ gốc, lãi của các khoản vay và trái phiếu đến hạn thanh toán.
Theo báo cáo tài chính, HAGL vẫn còn khoản nợ trái phiếu 4.671 tỷ đồng tại BIDV, đáo hạn ngày 30/12/2016. Tại ngày 31/12/2023, HAGL chưa thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn, tổng giá trị 100 tỷ đồng và 3.025 tỷ đồng. Vào ngày lập báo cáo này, tập đoàn này đã thanh toán khoản gốc trái phiếu 100 tỷ đồng và có kế hoạch thanh toán lãi trái phiếu đã đến hạn.
Chưa kể, diện tích trồng cao su và cọ dầu của HAGL trên thực tế đang thấp hơn phần diện tích đề cập trong phần mục đích giải ngân của hợp đồng tín dụng đã cam kết.
Cuối năm 2023, HAGL có nợ vay gần 7.869 tỷ đồng, bao gồm 4.528 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. So với cuối năm trước, tập đoàn giảm được 297 tỷ đồng nợ vay. Trong năm 2023, HAGL đã trả gần 588 tỷ đồng nợ vay cho Eximbank.
Trong năm 2023, tập đoàn này đã thanh lý nhiều tài sản là khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, bán Bệnh viện Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai và nhiều khoản đầu tư khác.
Vào ngày 11/1, HAGL cũng đã hoàn tất chuyển nhượng hơn 13,3 triệu cổ phiếu HNG của Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai cho nhà đầu tư. Tỷ lệ sở hữu của tập đoàn giảm từ 9,4% còn 8,24%.
“Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty HAGL”, công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh trong báo cáo kiểm toán năm 2023 của HAGL.
Đây là năm thứ 7 liên tiếp, HAGL bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Lỗ luỹ kế lớn, cần thêm thời gian trả nợ
Phản hồi về nghi ngờ của kiểm toán, HAGL cho biết tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán, tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Trong năm 2023, HAGL đã tất toán được một số khoản vay lâu năm, đồng thời được miễn giảm lãi phải trả với giá trị lớn. Hiện tại, công ty đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan, đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn.
Cùng với đó, hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2023. Nguồn tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng giúp công ty giảm bớt áp lực tài chính khi được dùng để thanh toán một số khoản vay, trái phiếu; đồng thời bổ sung nguồn vốn lưu động để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, vào ngày 4/3/2024, HAGL ký kết hợp đồng nhận tài trợ từ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) với tổng hạn mức tài trợ là 5.000 tỷ đồng, nhằm đầu tư cho mảng nông nghiệp xanh. Tiền giải ngân sẽ được sử dụng để đẩy mạnh đầu tư trồng mới, chăm sóc và phát triển 3 sản phẩm chủ lực của công ty bao gồm chuối, sầu riêng và chăn nuôi heo.
“HAGL kỳ vọng có thể hoàn trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động trong các kỳ kế toán tiếp theo”, HAGL cho hay.
Về mối liên quan tín dụng với LPBank, trong năm 2023, HAGL phát sinh khoản vay mới 750 tỷ đồng đến từ Ngân hàng LPBank, đáo hạn ngày 11/6/2024. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên tổng diện tích 957ha thuộc sở hữu của Công ty Chăn nuôi Gia Lai (công ty con của HAGL).
Không chỉ tín dụng, HAGL cũng có nhiều mối liên hệ khác với LPBank.
Mới đây, HAGL đã đổi bộ nhận diện thương hiệu, logo mới có 3 gam màu gồm vàng, nâu đất và trắng. Bộ màu này khá giống với màu sắc logo của LPBank.
HAGL cũng đang có kế hoạch huy động 1.300 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ. 3 nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt phát hành này đều liên quan ít nhiều tới ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) - Chủ tịch LPBank. Sau phát hành, 3 nhà đầu tư này có thể sở hữu 12,3% vốn HAGL và họ có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị HAGL.
LPBank và HAGL cũng ký hợp tác đồng hành xây dựng đội bóng. Học viện và Câu lạc bộ HAGL công bố đổi tên thành Học viện Bóng đá LPBank - HAGL và Câu lạc bộ Bóng đá LPBank - HAGL.
Về kết quả kinh doanh, 2 tháng đầu năm 2024, HAGL ghi nhận tổng doanh thu 1.043 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu ngành cây ăn trái ghi nhận 630 tỷ đồng, chiếm 60,4% tổng doanh thu; doanh thu ngành chăn nuôi ghi nhận 201 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng doanh thu; ngành phụ trợ ghi nhận doanh thu 212 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng doanh thu.
Trên một diễn biến khác, HAGL vừa thông báo quyết nghị HĐQT thông qua việc gia hạn và xác định thời gian tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 10/5/2024, thay vì trong tháng 4 như thông báo trước đó.
Lý do là bởi HAGL cần thêm thời gian để hoạch định chiến lược theo tình hình mới và lập kế hoạch phù hợp cho năm 2024.
Trong Đại hội sắp tới, HAGL dự kiến công bố Báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2023, kế hoạch kinh doanh và đầu tư năm 2024, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023 và năm 2024…
Trên sàn chứng khoán, từ đầu năm 2024, cổ phiếu HAG tăng mạnh theo những thông tin tích cực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh lên mức giá 14.950 đồng/cp vào cuối tháng 1/2024, cổ phiếu HAG quay đầu đi xuống. Trong các phiên gần đây, cổ phiếu này dao động quanh vùng giá 12.500 đồng/cp.
Kết phiên giao dịch ngày 27/3, cổ phiếu HAG đóng cửa ở mức 12.550 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của công ty trên thị trường đạt khoảng 11.638 tỷ đồng.