Gỡ vướng trong lựa chọn đối tác liên doanh liên kết sử dụng tài sản công
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 144/2017/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, một số nội dung tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP giao Bộ Tài chính hướng dẫn đã thay đổi như: Sử dụng tài sản đúng mục đích giao, đầu tư, xây dựng, mua sắm TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết; Hội đồng xác định giá trị TSC để tổ chức xử lý tài sản.
Cùng với đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thông tư của Bộ trưởng được ban hành để quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình. Tuy nhiên, thực tiễn quản lý cho thấy, việc thực hiện quyết định lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết trong thời gian qua gặp một số vướng mắc do không có quy định thống nhất cách chấm điểm các tiêu chí.
Chính vì vậy, việc Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 144/2017/TT-BTC, trong đó hướng dẫn thống nhất các tiêu chí lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo hướng cụ thể hóa quy định khoản 3 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 42 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP) là cần thiết.
Dự thảo Thông tư gồm 03 điều, quy định các nội dung chính như sau:
Thứ nhất, sửa đổi Điều 1 Thông tư số 144/2017/TT-BTC về phạm vi điều chỉnh để phù hợp với hướng dẫn sau khi sửa đổi, bổ sung.
Thứ hai, bổ sung quy định hướng dẫn lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết khi sử dụng TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết (bổ sung Điều 6a và Phụ lục I). Đối với nội dung này, việc đánh giá tiêu chí lựa chọn đối tác liên doanh liên kết được thực hiện theo phương pháp chấm điểm với thang điểm tối đa là 100 điểm chia cho 5 nhóm tiêu chí.
Trước hết là nhóm tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc liên doanh, liên kết (20/100 điểm). Nhóm tiêu chí này bao gồm cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc liên doanh, liên kết nhằm xác định mức độ sẵn sàng cho việc liên doanh, liên kết, tránh trường hợp đối tác không có các cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp.
Nhóm tiêu chí thứ hai là năng lực, kinh nghiệm của đối tác đăng ký tham gia liên doanh, liên kết (30/100 điểm), bao gồm thời gian hoạt động trong lĩnh vực liên quan, số lượng công nhân viên và lao động theo hợp đồng của tổ chức, kết quả kinh doanh trong lĩnh vực liên quan và mức thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc mức đóng góp vào ngân sách nhà nước trong năm trước đó. Nhóm tiêu chí này nhằm đánh giá kinh nghiệm của đối tác trong lĩnh vực liên doanh liên kết, khả năng sẵn sàng về nhân lực, năng lực kinh doanh trong lĩnh vực liên doanh liên kết và mức đóng góp vào ngân sách nhà nước. Qua đó, lựa chọn được đơn vị có trách nhiệm đóng góp cho ngân sách và có năng lực kinh doanh.
Tiếp đó là nhóm tiêu chí hiệu quả của phương án tài chính (30/100 điểm). Nhóm tiêu chí nhằm đảm bảo đối tác phải đề xuất rõ ràng các nội dung của phương án tài chính về các khoản doanh thu, các khoản chi phí và chênh lệch thu chi và cam kết chia sẻ lợi nhuận. Từ đó, tăng cường tính cam kết về lợi nhuận và số tiền thu được về cho đơn vị thông qua hoạt động liên doanh, liên kết.
Nhóm tiêu chí thứ tư là phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết (10/100 điểm). Theo đó, trong quá trình liên doanh, liên kết có khả năng phát sinh việc hình thành tài sản. Theo quy định thì tài sản hình thành trong quá trình liên doanh, liên kết được phân chia cho các bên theo tỷ lệ góp vốn. Trường hợp đối tác chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước thì sẽ được ưu tiên hơn so với các trường hợp khác.
Cuối cùng là các tiêu chí khác (10/100 điểm). Theo đó, để đảm bảo quyền của đơn vị sự nghiệp công lập trong lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết phù hợp với mục đích liên doanh, liên kết, tình hình thực tế của đơn vị, dự thảo quy định nhóm tiêu chí khác để đơn vị sự nghiệp công lập tự xác định.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định việc chấm điểm trong một số trường hợp đặc biệt và xử lý trong trường hợp có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên có số điểm chấm bằng nhau thì lựa chọn tổ chức, cá nhân có điểm số phương án tài chính cao hơn; trường hợp phương án tài chính bằng điểm nhau thì đơn vị có tài sản xem xét, quyết định lựa chọn một trong các tổ chức, cá nhân đó.
Thứ ba, thay thế Mẫu số 09d-CK/TSC công khai tình hình xử lý tài sản công tại số Thông tư số 144/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Thứ tư, bãi bỏ Điều 6 và Điều 8 Thông tư 144/2017/TT-BTC do các quy định giao Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung này tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định mới và không giao Bộ Tài chính hướng dẫn.