Giữa khó khăn, doanh nghiệp làm nông nghiệp chưa hết lo ‘bệnh’ thông tư
Các tháng cuối năm này và năm tới là giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp làm nông nghiệp khi phải gánh chịu áp lực từ thị trường do lạm phát và các áp lực nội tại. Trong khi đó, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thông tư càng làm cho các doanh nghiệp thêm nhiều mối lo ngại.
Quan sát một vài hội thảo, hội nghị, diễn đàn quy tụ các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong thời điểm cuối năm này, nhiều DN, hợp tác xã (HTX) và các hiệp hội tập trung phản ánh về những khó khăn của ngành kinh doanh, sản xuất, chế biến nông sản hiện nay là biến động về chi phí sản xuất, thị trường tiêu thụ ảm đạm.
Vừa làm vừa lo
Đơn cử như ở Đồng Nai hiện có 185 HTX nông nghiệp, 155 DN hoạt động lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan nông nghiệp, về chế biến có khoảng 260 DN hoạt động chế biến thực phẩm. Khi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh này mới đây, nhiều HTX, DN than phiền về tình hình tiêu thụ, khó tiếp cận nguồn vốn vay để duy trì sản xuất, khó trong tìm quỹ đất đầu tư các dự án nông nghiệp, mong được hỗ trợ và đơn giản hóa hơn về thủ tục hành chính trong hoạt động DN…
![]() |
Các DN làm nông nghiệp đang gặp khó khăn vào thời điểm cuối năm này và lo ngại về những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện một số thông tư mới hoặc dự thảo thông tư mới có thể khiến họ “khó chồng khó”. |
Hoặc như ở ngành thuỷ sản. Theo phản ánh của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), 3 tháng cuối năm nay và năm tới là giai đoạn khó khăn của ngành thuỷ sản khi mà xuất khẩu (XK) phải gánh chịu những áp lực từ thị trường do lạm phát, do nhu cầu giảm và các áp lực nội tại như chi phí đầu vào tăng cao, lại thêm lo ngại về khả năng các cơ chế quản lý trong hoạt động sản xuất - xuất nhập khẩu bị siết chặt.
Hay như ngành chế biến thực phẩm. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), với ngành lương thực thực phẩm thời điểm này phải dự trữ rất nhiều nguyên vật liệu sản xuất trong nước. Với các đơn hàng XK cũng phải chuẩn bị nguyên liệu, nhưng hiện tại room tín dụng bị cắt hoặc siết khiến DN rất khó khăn. Chưa kể, việc không bắt nhịp được thị trường khiến DN bị lỡ mất nhiều đơn hàng.
Còn ở góc độ DN, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho rằng cái khó nhất đối với các DN hiện nay chính là vấn đề dòng tiền. Thiếu dòng tiền, các DN XK sẽ bị “nghẽn” lại. Trong thời gian tới, hy vọng khi dòng tiền được lưu thông thì XK sẽ phát triển thuận lợi hơn.
Trong khi đó, giữa nhiều khó khăn như vậy, các DN làm nông nghiệp vẫn đang khá lo ngại về những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện một số thông tư mới hoặc dự thảo thông tư mới có thể khiến cho họ như “khó chồng khó”.
Đơn cử như Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.
Góp ý mới đây về Dự thảo này, theo Vasep, nhiều nội dung quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến DN chế biến, XK thủy sản đã được điều chỉnh như các hình thức thẩm định cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, bổ sung Danh sách XK, tần suất thẩm định, đánh giá điều kiện an toàn thực phẩm, thủ tục thẩm định cấp chứng thư…
Đừng để “khó chồng khó”
Cách đây gần một năm, liên quan đến Dự thảo trên, Vasep đã có công văn góp ý nhưng có một số ý kiến và đề xuất chưa được tiếp thu hoàn toàn tại dự thảo mới nhất (tháng 11/2022). Ngoài ra, Dự thảo mới này có bổ sung hoặc sửa đổi một số nội dung mà DN thuỷ sản nhận thấy chưa phù hợp và khả thi.
Chẳng hạn ở Điều 35 Giám sát lô hàng sau thẩm định, chứng nhận, Dự thảo đã tăng tần suất kiểm tra từ 1 năm/lần sang 1 quý/lần (tức tăng 4 lần) và bổ sung nhiều các hoạt động kiểm tra trực tiếp tại cơ sở (thay vì trước đây chỉ làm việc với cơ quan hải quan).
Phía Vasep đề nghị giữ nguyên tần suất giám sát 1 năm như Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT. Bởi vì, việc điều chỉnh tăng gấp 4 lần/năm là một con số không nhỏ, không chỉ gây quan ngại cho DN, làm gia tăng chi phí xã hội mà còn chưa phù hợp chủ trương của Chính phủ không kiểm tra DN quá 1 lần/năm tại Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số ý kiến phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thông tư do Bộ NN&PTNT ban hành.
Năm 2022, trên cơ sở phản ánh của DN, hiệp hội, VCCI đã xây dựng một báo cáo nghiên cứu “Chất lượng của thông tư, công văn với hiệu quả của cải cách thể chế”. Báo cáo đã phản ánh một số vấn đề còn tồn tại của thông tư (ví dụ: thông tư còn điều kiện kinh doanh; các quy định tại thông tư chưa đảm bảo về tính minh bạch, hợp lý, khả thi và thống nhất …) và có chỉ ra một số ví dụ điển hình của tình trạng này.
Trong báo cáo có lưu ý một số điểm của Thông tư ở một số lĩnh vực do bộ, ngành quản lý chưa phù hợp với thực tế, có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó cho DN (ví dụ: xác định chủ thể thực hiện nghĩa vụ chưa đúng; quy định tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ; quy định chưa phù hợp với thực tế, khó thực hiện…), có quy định chưa đảm bảo tính minh bạch (chưa đủ chi tiết, cụ thể, rõ ràng, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng).
Cho nên, VCCI mong Bộ NN&PTNT rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản pháp luật thuộc phạm vi quản lý của mình, phát hiện những bất cập, vướng mắc tương tự để tiến hành sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản.
Xét cho cùng, để các DN làm nông nghiệp không phải rơi vào cảnh “khó chồng khó” trước những vướng mắc, bất cập ở một số thông tư, dự thảo thông tư, rất cần các bộ, ngành có liên quan cần tiếp thu và nhanh chóng sửa đổi những điểm vướng mắc nhằm mang lại niềm tin cho DN giữa lúc khó khăn này.
Thế Vinh