Doanh nghiệp xuất khẩu đối diện ‘núi’ khó khăn thị trường
Những dự báo mới nhất cho thấy tiêu dùng toàn cầu dự kiến suy yếu vào năm 2023 do suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Trước “núi” khó khăn phía trước đang đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu linh hoạt thích ứng và chủ động có những giải pháp hữu hiệu trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Dự báo về năm 2023 với ngành dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho rằng sẽ xấu hơn năm 2022. Nếu suy thoái kinh tế thế giới thì năm 2024 còn xấu hơn 2023, còn ngược lại, không suy thoái kinh tế thì năm 2023 và 2024 sẽ có tín hiệu tốt lên nhưng đến năm 2025 mới bằng năm 2021.
Mối lo tiêu dùng toàn cầu suy yếu
Theo ông Trường, giai đoạn hiện nay không chỉ có khó khăn của riêng ngành dệt may Việt Nam mà là khó khăn của thị trường toàn cầu khi tổng lượng cầu của thế giới đột ngột giảm sút do kinh tế suy giảm.
Còn riêng với ngành dệt may, như lưu ý của Chủ tịch Vinatex, là ngành có chu kỳ sản xuất ngắn, nhu cầu rất nhạy với thu nhập và việc làm trên thế giới nên không thể có một dự báo dài hạn cho cả năm, trong điều kiện kinh tế bất định như hiện nay.
Dự báo về năm 2023 với ngành dệt may Việt Nam được cho là sẽ xấu hơn năm 2022. |
Còn với ngành thuỷ sản, một kết quả khảo sát với 117 doanh nghiệp (DN) thuỷ sản cho thấy có 71% số DN cho rằng triển vọng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% DN đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% DN lạc quan vào bức tranh ngành thuỷ sản trong thời gian tới.
Theo đánh giá mới đây của bộ phận phân tích CTCP chứng khoán VNDirect về ngành xuất khẩu (XK), có cho rằng, nhu cầu của các thị trường XK hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc tiếp tục giảm vào năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất liên quan đến XK như dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hoá chất cơ bản.
Chuyên gia phân tích cũng dự phóng giá nguyên vật liệu đầu vào như sợi, vải, gỗ ép sẽ giảm 3%-7% so với cùng kỳ trong năm 2023 do nhu cầu yếu. Tuy nhiên, với những thách thức phía trước, các công ty trong ngành dệt may và gỗ sẽ phải giảm giá bán (7%-10%) để thu hút thêm khách hàng. Do đó, biên lợi nhuận của các công ty trong ngành sẽ giảm 0,8-1,0 điểm % so với cùng kỳ vào năm 2023.
Có thể thấy áp lực lạm phát do các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu gây ra (cuộc chiến Nga-Ukraine và chính sách “Zero Covid” ở Trung Quốc) đã làm tăng lãi suất tại nhiều quốc gia, dẫn đến lo ngại rằng một cuộc suy thoái lớn sẽ xảy ra trong năm 2023.
Trong khi các nền kinh tế và DN trên thế giới đang chuẩn bị cho chu kỳ suy thoái, như ghi nhận từ giới chuyên gia tại Đại học RMIT, Việt Nam đã cảm thấy “sức nóng” thể hiện rõ qua việc hơn 600.000 người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm do các đơn hàng XK sụt giảm trong vài tuần qua.
Ở góc nhìn của một chuyên gia trong ngành quản trị nhân sự, bà Evelyn Kwek - Giám đốc điều hành Great Place to Work khu vực ASEAN và ANZ, cho rằng các tín hiệu suy thoái toàn cầu khiến DN Việt lo lắng bởi Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và trở nên phụ thuộc hơn vào XK trong những năm gần đây. Cũng theo bà, “việc tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư toàn cầu bên cạnh áp lực lạm phát đang len lỏi vào nền kinh tế”.
Cần giải pháp ngắn hạn lẫn dài hạn
Đối với Mỹ và EU, đối tác thương mại lớn của Việt Nam, việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ ngày càng ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng vào năm 2023.
Đứng trước “núi” khó khăn trong năm 2023 sắp tới, bà Kwek cho biết nghiên cứu của Great Place to Work (dựa trên dữ liệu tại Mỹ) đã chỉ ra rằng, nếu các DN Việt tập trung vào con người và văn hóa công ty trong thời kỳ suy thoái thì họ sẽ không chỉ tồn tại mà còn phát triển thêm nhờ việc gia tăng được giá trị của cổ phiếu và nhân lực.
“Đừng hủy hoại tất cả những thành quả tốt đẹp và niềm tin mà tổ chức đã xây dựng được ở đội ngũ nhân sự trong giai đoạn kinh doanh thuận lợi, bởi vì việc thu hút, giữ chân và nuôi dưỡng nhân tài đã đòi hỏi rất nhiều đầu tư và nỗ lực”, bà Kwek nhấn mạnh.
Còn theo ông Lê Tiến Trường, đây là giai đoạn mang tính chất ngắn hạn, do đó, giải pháp quan trọng cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn. Đối với ngành dệt may thứ nhất là vị trí trong chuỗi cung ứng làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi. Thứ hai phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường.
“Chính vì vậy, giải pháp xoay quanh trọng tâm là giữ được hai tài sản chiến lược này. Đồng thời, tập trung vào việc cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí…”, ông Trường chia sẻ.
Ở góc độ quản lý, theo bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, những biến động của kinh tế thế giới trong năm 2023 có thể tiếp diễn. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá các tác động đến XK của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.
Như lưu ý của bà Trang, việc thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, các chính sách, quy định mới của các quốc gia là thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam cần tiếp tục được tăng cường nhằm giúp các DN có phản ứng kịp thời.
Nói chung, tình hình tiêu dùng toàn cầu dự kiến suy yếu ảnh hưởng đến các ngành XK của Việt Nam trong năm 2023 sắp tới đang đòi hỏi các DN chủ động có các giải pháp hữu hiệu trong ngắn hạn lẫn dài hạn để khắc phục khó khăn. Nhất là các vấn đề về nguồn vốn, nguồn nhân lực, linh hoạt về sản xuất, cũng như đa dạng thị trường XK thay vì phụ thuộc một vài thị trường lớn.
Thế Vinh