Doanh nghiệp xả thải "bức tử" suối Nước Trong

Nhiều năm qua, khi nhà máy mủ cao su Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thiện Hưng (Công ty Thiện Hưng) tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đi vào hoạt động, cũng là lúc người dân tại đây phải sống chung với ô nhiễm môi trường và lo sợ bệnh tật cận kề.

Hàng chục hộ dân sống gần khu vực nhà máy mủ cao su của Công ty Thiện Hưng tại địa chỉ số 36/11, ấp 3, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo tỏ ra bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do mùi hôi và nước thải đơn vị này xả ra môi trường.

Theo người dân địa phương, tình trạng trên đã diễn ra gần hơn 20 năm nay nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được dứt điểm.

Từ phản ánh của người dân, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô có mặt tại khu vực ấp 3, xã Tân Hiệp. Ghi nhận trực tiếp từ hiện trường, vào những ngày trung tuần tháng 3/2024, trong khuôn viên Công ty Thiện Hưng có nhiều bể nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Cổng công ty TNHH SX TM DV Thiện Hưng

Công ty Thiện Hưng

Quá trình sản xuất, công ty này còn xả nước thải trực tiếp ra môi trường xung quanh, lượng nước này tồn đọng gây hôi thối. Men theo bờ suối, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng khi rất nhiều đường ống được đấu nối từ khuôn viên của công ty trực tiếp ra bờ suối Nước Trong.

Đáng chú ý, phóng viên chứng kiến nguồn nước thải đặc quánh, có màu đen ngòm từ trong nhà máy chảy ra ngoài, bốc mùi thối nồng nặc và phát tán trong không khí. Nước suối cũng ngả màu đen.

Suối Nước Trong đã không còn trong

Suối Nước Trong đã không còn trong

Người dân địa phương cho biết, đây là mùi hôi đặc trưng của hoạt động chế biến mủ cao su. "Mùi hôi ở đây có từ khi Công ty Thiện Hưng hoạt động. Hơn 20 năm nay, người dân ngửi miết thành quen, còn người nơi khác tới chắc chắn chịu không nổi. Sợ nhất là người già, trẻ em dễ mắc bệnh", người dân giấu tên cho hay.

Cùng lúc này, một hộ dân khác bức xúc: “Công ty này đã nhiều lần chờ cơ hội trời mưa lớn để xả nước thải ra môi trường, mùi hôi bốc nồng nặc bay xa cả cây số. Sau cơn mưa, tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra”.

Nghiêm trọng hơn, theo các hộ dân, chất thải mủ cao su đã bắt đầu ngấm vào đất và ảnh hưởng đến cả nguồn nước giếng sinh hoạt. Nhiều năm trở lại đây, hầu hết những giếng khoan trong khu vực không còn sử dụng được nữa.

Công ty TNHH PB Tín Phát đang nhả khói và xưởng gỗ đang hoạt động, bụi bặm ngập trời.

Công ty TNHH PB Tín Phát đang nhả khói và xưởng gỗ đang hoạt động, bụi bặm ngập trời.

Tại khu vực ấp 3, xã Tân Hiệp, phóng viên còn ghi nhận tình trạng xả khí thải của Công ty TNHH PB Tín Phát. Cách đó vài trăm mét là xưởng gỗ được xây dựng tạm bợ, bụi ngập trời.

Để rộng đường dư luận, ngày 5/4, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ đến UBND xã Tân Hiệp và UBND huyện Phú Giáo. Tuy nhiên, đã 20 ngày trôi qua, đại diện UBND xã Tân Hiệp vẫn "bặt vô âm tín".

Trụ sở UBND xã Tân Hiệp

Trụ sở UBND xã Tân Hiệp

Để ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân, chính quyền tỉnh Bình Dương cũng như các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý một cách quyết liệt hơn nữa để người dân có thể yên tâm sinh sống.

Theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị xử phạt: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với tổ chức là 2.000.000.000 đồng; Đồng thời, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả hợp lý đối với hành vi vi phạm.

Ngoài việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp hành vi vi phạm về môi trường đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 235: Gây ô nhiễm môi trường, Bộ luật Hình sự 2015; có thể bị phạt tù đến 7 năm.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 7
Tác giả: Phú Lân
Tin liên quan