Doanh nghiệp thực phẩm trước áp lực giữ giá bán để kích cầu tiêu dùng cuối năm

Các doanh nghiệp thực phẩm thời gian qua đã chịu nhiều áp lực kìm giữ giá bán. Để kích cầu tiêu dùng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, áp lực lại càng tăng thêm khi việc tăng chi phí đầu vào vẫn còn là nỗi ám ảnh. Điều này đòi hỏi vai trò tích cực hơn nữa từ phía cơ quan quản lý và các địa phương để gỡ khó cho doanh nghiệp. 

Anh Thái Bình Dương, phụ trách kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân thực phẩm chay Bình Loan (Đồng Tháp), cho biết 70% nguồn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất thực phẩm của doanh nghiệp (DN) là nhập khẩu, chủ yếu là nhập đậu tương từ Canada.

“Ngậm đắng” kìm giá bán

Trong khi đó, giá đậu tương nhập khẩu có những thời điểm tăng khá mạnh. Trong thượng tuần tháng 11/2022, hợp đồng đậu tương trên một số sàn giao dịch quốc tế đã tăng 0,9% và thị trường đã tăng 3,5%. Còn tính riêng số liệu nhập khẩu đậu tương của cả nước từ thị trường Canada trong 8 tháng đầu năm với giá 727,6 USD/tấn, tăng 43,9% về kim ngạch và giá tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

-4783-1668163890.jpg

Các DN thực phẩm vừa chịu áp lực giữ giá bán vừa lo sức mua không như kỳ vọng trong dịp cuối năm.

Với giá nguyên liệu đậu tương nhập khẩu gia tăng như vậy, trao đổi với VnBusiness, anh Dương cho rằng đã ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất thực phẩm chay của DN, trong khi ở Việt Nam nguồn cung ứng đậu nành cho DN không đủ, chất lượng chưa đạt. Tuy vậy, quan điểm của DN trong mùa tiêu dùng cuối năm nay là sẽ không tăng giá bán.

“Nếu muốn tăng giá bán thì chúng tôi sẽ thông báo trước cho tất cả hệ thống phân phối khoảng một tháng. Nhưng việc tăng giá chỉ có thể diễn ra sau dịp Tết Nguyên đán”, anh Dương chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Bibica, trong giai đoạn cuối năm này, mọi thứ có vẻ nằm trong tầm kiểm soát của công ty. Giá nguyên liệu đầu vào đã tăng từ cuối năm trước, việc điều chỉnh tăng giá bán trong khoảng 5 - 10% cũng đã được công ty thực hiện từ hồi giữa năm 2022. 

Ông Hoàng cho rằng với mảng bánh kẹo, xét về giá bán ra, công ty phải cân đối về tình hình mãi lực, sức mua, hiệu quả kinh doanh. Còn trên thực tế, nếu tính bình quân tất cả các nguyên liệu đã tăng vào khoảng 20 - 25% so với cùng kỳ năm trước. Ngay cả nguồn nguyên liệu cho mùa tiêu dùng cuối năm, công ty cũng phải chuẩn bị từ trước đó 6 - 9 tháng.

Hoặc như chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ hạt điều), việc phối hợp với hệ thống siêu thị để điều chỉnh tăng giá bán là không hề đơn giản, nhất là vào mùa tiêu dùng cuối năm rất cần được kích cầu để đầu ra sản phẩm được tốt hơn. 

Còn trên thực tế, theo ông Đạt, thời gian qua, các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm đã chịu rất nhiều áp lực để kìm giữ giá bán không tăng hoặc chỉ tăng trong giới hạn nhất định trước bối cảnh giá cả nguyên liệu đầu vào và nhiều loại chi phí khác tăng quá cao. 

Không để doanh nghiệp mãi “thấm đòn”

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, tỷ giá USD tăng mạnh, nhiều nguyên liệu nhập khẩu đầu vào của các DN thực phẩm sẽ phải cộng thêm chênh lệch tỷ giá hoặc bị tác động theo giá USD. Các khoản vay ngoại tệ của DN cũng bị ảnh hưởng. Do đó, không ít công ty phải cân đối lại giá bán.

Về phía siêu thị, theo giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm của một nhà bán lẻ hàng đầu ở Tp.HCM, thời gian qua đã nhận được khá nhiều yêu cầu tăng giá từ các nhà cung cấp. Nhưng để kích cầu tiêu dùng cuối năm, các siêu thị cân nhắc rất nhiều, cũng đàm phán, thương lượng với các nhà cung cấp để làm sao kìm giữ giá bán một cách tối đa.

Và bài toán nan giải của các nhà bán lẻ có liên quan đến ngành hàng thực phẩm là làm sao phải kìm giữ không tăng giá, hoặc tăng giá ở mức thấp nhất để giữ sức mua. Nếu không làm được điều này, thiệt hại không chỉ cho các nhà bán lẻ, mà còn cho các DN thực phẩm và cả người tiêu dùng.

Theo nhận định mới đây của Sở Công Thương Tp.HCM, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ tăng 20-30%. Tuy vậy, thời điểm này, để kích cầu tiêu dùng cuối năm, các nhà bán lẻ, DN thực phẩm đang cần giải pháp trợ giá và phải tính toán kỹ lưỡng khi áp dụng chương trình khuyến mãi.

Ngoài ra, điều mà các DN trăn trở là nỗi lo người tiêu dùng sẽ ngày càng tính toán thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp nếu như giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tăng. Trong khi đó, nếu các siêu thị tăng giá bán sẽ khó tránh sụt giảm doanh số cho chính họ và cho các nhà cung cấp.

Mặc dù thế, các DN thực phẩm vẫn kỳ vọng gói giảm 2% thuế giá trị gia tăng kéo dài tới cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2023 tới sớm ngay trong tháng 1/2023 vẫn sẽ hỗ trợ cầu tiêu dùng trong tháng 11 này và tháng 12 tới.

Cần nhắc thêm, trong tháng 10 vừa qua, khi định hướng dịp cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để bình ổn giá cả thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Nói chung, trước áp lực giữ giá bán để kích cầu tiêu dùng cuối năm, sức chịu đựng của DN thực phẩm cũng có hạn vì đã “thấm đòn” trong nhiều tháng liền. Cho nên, việc bình ổn thị trường cuối năm đang cần vai trò tích cực hơn nữa từ phía cơ quan quản lý và các địa phương.

Đặc biệt là cần bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu. Hơn nữa, nên đẩy mạnh hoạt động sản xuất để tạo nguồn cung nguyên liệu thay thế trong nước với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến thực phẩm nhằm kéo giảm giá thành. 

                                                  Thế Vinh

Lượt xem: 16
Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan