Doanh nghiệp bán lẻ 'gồng mình’ tái cấu trúc để đảm bảo doanh thu

Trước mối lo sức mua giảm sút, để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận trong 2 tháng cuối năm nay và cho cả năm 2023 sắp tới là cả thách thức cho không ít nhà bán lẻ ở Việt Nam. Nhất là khi họ đang “gồng mình” tái cấu trúc mô hình hoạt động giữa nhiều áp lực về nợ vay, lãi suất, biến động tỷ giá, lỗ tài chính tiếp tục gia tăng…

Thông thường Quý 4 là quý quan trọng vào thời điểm cuối năm để cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ bứt tốc về mặt doanh số, thế nhưng trong Quý 4/2022, CTCP Thế Giới Số (Digiworld) - nhà phân phối trong lĩnh vực công nghệ, lại đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 5% và 8% so với nền so sánh cao của cùng kỳ năm ngoái.

Hành động trước mối lo sức mua giảm

Còn với năm 2023 sắp tới, trước mối lo sức mua giảm sút, để đảm bảo tăng trưởng doanh thu trên 20%, công ty này đang làm việc với 2 nhà cung cấp lớn (đang chiếm 60 - 65% doanh thu của công ty) nhằm giới thiệu các mẫu mã cao cấp mới đến người tiêu dùng.

 
-5281-1667811726.jpg

Trước mối lo sức mua giảm sút, để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận trong 2 tháng cuối năm nay và cho cả năm 2023 sắp tới là cả thách thức cho không ít nhà bán lẻ ở Việt Nam.

Đối với mảng FMCG (tiêu dùng nhanh), Digiworld đang làm việc với các nhà cung cấp với dự định phân phối sản phẩm gia dụng riêng, nhắm đến các sản phẩm small home appliance (thiết bị gia dụng nhỏ). 

Mảng dược của công ty cũng đang được thúc đẩy thông qua làm việc với nhiều nhà cung cấp nước ngoài. Tuy nhiên, việc xin giấy phép (kéo dài trong khoảng 8 tháng) lại là rào cản lớn, nên dự kiến cuối năm 2023 và 2024 thì mảng này mới có thể có tăng trưởng doanh thu. 

Ngoài ra, trong Quý 3/2022, Digiworld đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần của một công ty chuyên phân phối các sản phẩm bảo hộ lao động và thiết bị công nghiệp cho các nhà máy. Trong tương lai, công ty này sẽ là cầu nối giúp Digiworld cung cấp các thiết bị ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) trong bối cảnh dòng vốn ngoại đang đổ về Việt Nam để xây dựng thêm các nhà xưởng.

Còn với CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG), giới phân tích cho rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi khi các cửa hàng hoạt động kém đã bị đóng cửa, giúp cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh (BHX) có thể sẽ được cải thiện rõ ràng hơn vào Quý 4/2022. 

Doanh thu hàng tháng của BHX duy trì ổn định bất chấp việc cắt giảm 162 cửa hàng trong Quý 3/2022. Tính từ thời điểm bắt đầu tái cấu trúc (vào tháng 4/2022), tổng số cửa hàng của BHX bị đóng cửa là 414 (chiếm 19,3% số lượng cửa hàng giai đoạn đỉnh). 

Loại bỏ chi phí một lần do đóng cửa các cửa hàng, ước tính biên lợi nhuận cốt lõi từ hoạt động kinh doanh của BHX trong Quý 3/2022 có xu hướng cải thiện sau tái cấu trúc. Khi BHX chuyển từ lỗ sang lãi, được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho MWG trong những năm tới.

Theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, bằng việc đóng cửa các cửa hàng không hiệu quả cũng như thiết kế lại cửa hàng cả về trưng bày và danh mục hàng hóa, doanh thu trên mỗi cửa hàng BHX tăng trưởng rõ rệt trong thời gian ngắn.

Từ nay đến cuối năm, MWG đề ra mục tiêu tăng doanh thu hàng tháng của cửa hàng lên mức 1,5-1,6 tỷ đồng. Ngoài mục tiêu tăng doanh thu, BHX cũng kỳ vọng đạt điểm hòa vốn cuối năm 2022.

Tiếp tục khai thác dư địa tăng trưởng

Ngoài ra, nếu BHX có khả năng đạt điểm hòa vốn và tiếp tục duy trì, MWG có thể tái khởi động việc mở rộng chuỗi trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng có thể một phần do lưu lượng kết chuyển từ các cửa hàng cũ đã đóng cửa, vì vậy, tính bền vững của việc doanh thu tăng vẫn cần thời gian quan sát thêm.

Với các DN bán lẻ hiện nay, sự chững lại cũng cho thấy khách hàng có khả năng đang trì hoãn việc mua sắm trước các đợt ra mắt mới và việc Tết âm lịch đến sớm hơn thường lệ. Tác động lạm phát đã tác động đến người tiêu dùng có thu nhập thấp lên sức mua.

Cho nên, để đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới là cả thách thức dù cho không ít nhà bán lẻ đang “gồng mình” tái cấu trúc mô hình hoạt động trước tác động của môi trường lãi suất gia tăng.

Như với MWG, tăng trưởng lợi nhuận vào năm 2023 sắp tới sẽ phần nào phụ thuộc vào thành công của hoạt động tái cơ cấu BHX. Trong khi đó, lỗ tài chính ròng Quý 3/2022 của MWG tăng lên 85,9 tỷ đồng từ 62,4 tỷ đồng trong Quý 2/2022. Nợ ròng chiếm khoảng 67,6% vốn chủ sở hữu của công ty vào cuối Quý 3/2022, mặc dù vậy vẫn còn thấp hơn gần 3 lần so với một số DN cùng ngành.

Hay như Digiworld, trong bối cảnh lãi suất xu hướng đi lên thì họ cũng tăng vay nợ. Tại cuối Quý 3/2022, nợ vay là 2.372 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng, tăng 1.255 tỷ đồng so với đầu năm nay và tăng 1.129 tỷ so với cuối Quý 2/2022. Chưa kể, tỷ giá đồng USD/VND tăng đã ảnh hưởng nhiều tới DN này, nhất là khi đồng USD tăng, kéo giá của các sản phẩm nhập khẩu tăng.

Trên thực tế, ngoài chuyện sức mua, áp lực vốn vay, biến động tỷ giá…, giới chuyên gia vẫn lạc quan dự báo nếu tái cấu trúc thành công thì tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 sắp tới của một số nhà bán lẻ hàng đầu hoàn toàn có thể bắt kịp mức tăng trưởng trước đại dịch, như trong giai đoạn 2017 - 2019.

Mặt khác, để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận thì những nhà bán lẻ có tiềm lực mạnh cần tiếp tục khai thác dư địa tăng trưởng ở các khu vực ngoài những thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội.

Đơn cử như theo nghiên cứu của McKinsey Global Institute, tốc độ tăng trưởng số lượng hộ gia đình trung lưu ở các thành phố nhỏ hơn (và thậm chí cả khu vực nông thôn) đang vượt xa Hà Nội và Tp.HCM, với tốc độ hàng năm 2020−2030 là khoảng 8%, so với 5% của hai thành phố lớn.

Đây là cơ hội để các nhà bán lẻ tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng tại các khu vực ngoài Tp.HCM hay Hà Nội. Chẳng hạn như lên kế hoạch mở thêm các cửa hàng mới tại các thành phố cấp 1, cũng như cấp 2 và cấp 3.

Ngoài ra, để giải bài toán tăng trưởng doanh thu, các nhà bán lẻ có thể nâng cấp hệ thống bán lẻ tích hợp phục vụ người tiêu dùng nhằm tối ưu hóa biên lợi nhuận thương mại, danh mục sản phẩm, các chương trình khuyến mãi, và chi phí vận hành để đảm bảo lợi nhuận.

Điều này cũng có thể tham khảo cách làm của CTCP Tập đoàn Massan với chuỗi cửa hàng Winmart/Wimart+ khi tích hợp phục vụ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính, trà và cà phê, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ viễn thông. Mô hình mới này đã gia tăng xấp xỉ 20% doanh thu/m2 trong giai đoạn thí điểm so với trước khi chuyển đổi, chủ yếu do lưu lượng khách hàng tăng lên. 

Nói chung, để duy trì đà tăng trưởng trong 2 tháng cuối năm này và cho năm 2023 sắp tới đang đòi hỏi các nhà bán lẻ còn nhiều việc phải làm. Ngoài những thách thức đan xen cơ hội trên thị trường bán lẻ Việt, để củng cố triển vọng tăng trưởng thì điều quan trọng là tự thân các nhà bán lẻ cần sớm hoàn thành tái cấu trúc, cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi nhằm đảm bảo tính bền vững cho doanh thu và lợi nhuận.

Thế Vinh

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật